Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024
Sáng 14-11 (giờ địa phương), trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024.
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC là sự kiện được tổ chức thường niên và có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo APEC gặp gỡ, trao đổi cùng đại diện lãnh đạo cấp cao của hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương về các xu thế phát triển mới, cơ hội và thách thức đặt ra đối với khu vực, đề ra ý tưởng, giải pháp đột phá cho hợp tác và phát triển tại khu vực.
Với chủ đề “Con người. Doanh nghiệp. Thịnh vượng”, hội nghị lần này gồm hơn 20 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề, xu thế có tác động lớn đến sự phát triển của khu vực và thế giới như biến đổi khí hậu, các biến động địa chính trị trên thế giới, cách mạng trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và kết nối khu vực, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và sự phát triển của các thị trường mới nổi.
Chủ tịch nước Lương Cường, với tư cách là khách mời chính, đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ nhận định thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những chuyển đổi to lớn, mang tính thời đại, tác động đa chiều tới mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, APEC cần xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi cho phát triển và góp phần giải quyết bốn yêu cầu lớn là: Một, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; Hai, bảo đảm mọi quốc gia, mọi người dân đều được tiếp cận cơ hội bình đẳng và thụ hưởng một cách xứng đáng thành quả của hợp tác và phát triển; Ba, có giải pháp căn cơ cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, để ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất của nhân loại là biến đổi khí hậu; và Bốn, bảo đảm các loại công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm và bao trùm, thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng tinh thần lạc quan, dám nghĩ, dám làm, khả năng phát hiện và tận dụng cơ hội ngay cả trong khó khăn chính là chìa khóa để thành công. Chủ tịch nước nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng góp hiệu quả trên một số mặt, đó là: Thứ nhất, tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh, sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số…; trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Thứ hai, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các loại công nghệ đột phá để tìm lời giải cho các vấn đề cấp bách của thế giới. Thứ ba, tham gia tích cực vào quá trình định hình luật lệ, quy định cho các lĩnh vực mới, có ý nghĩa chiến lược của kinh tế thế giới. Thứ tư, đóng vai trò cầu nối, gắn kết các nền kinh tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia. Chủ tịch nước đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, định hình luật lệ và quy định kinh tế thế giới, củng cố giao lưu nhân dân, hợp tác, hữu nghị giữa các nước.
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, với tâm thế mới, với khát vọng mãnh liệt phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng. Hành trang của Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với quy mô thứ 35 thế giới; có hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định, lấy nhân dân làm trung tâm; một dân tộc yêu nước, tự tin, tự lực, tự cường, với dân số hơn 100 triệu người; và nhiều bạn bè, đối tác quốc tế rộng khắp năm châu.
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định Việt Nam kiên trì các nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; tin tưởng vào giá trị của tự do thương mại, kết nối và hội nhập quốc tế; sẽ tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cho đến hạ tầng, logistics và các ngành công nghệ cao. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Chủ tịch nước cũng nêu bật những lợi thế quan trọng mà kinh tế Việt Nam có được, đó là: Một, vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, với một nền kinh tế năng động, có độ mở cao và mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do; Hai, một thị trường lớn, đầy tiềm năng; một điểm đến thuận lợi cho tiến trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ở khu vực; quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh thuộc nhóm thuận lợi nhất ở châu Á; Ba, Việt Nam đang khởi tạo một nền kinh tế mới, chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; và Bốn, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước khẳng định, trước những biến động to lớn của thế giới và những rủi ro về bảo hộ, phân mảnh, phân tách, một lần nữa APEC cần gánh vác trách nhiệm cầu nối, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên để cùng xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế minh bạch, bình đẳng, bảo đảm lợi ích cân bằng cho tất cả các bên.
Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp.
* Chủ tịch nước Lương Cường tiếp lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu Peru
Trưa 14-11 theo giờ địa phương, tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru.
Đây đều là các doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực như khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...
Đánh giá cao những bước phát triển vượt bậc và sự năng động của nền kinh tế Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp Peru chia sẻ với Chủ tịch nước về những điểm tương đồng giữa hai nền kinh tế Peru và Việt Nam, cho rằng hai bên hoàn toàn có thể bổ trợ lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng giới thiệu về những lĩnh vực thế mạnh của Peru, trong đó có khai khoáng và đặc biệt là điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho phát triển năng lượng sạch. Các doanh nghiệp Peru cũng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, tìm kiếm các đối tác hợp tác trong những lĩnh vực thế mạnh của nhau, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng tham dự cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Peru; cho rằng sự kiện này sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ kinh tế, đầu tư hai nước sang một giai đoạn mới ngày một tốt đẹp hơn.
Chủ tịch nước cho biết trong 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Peru luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp thông qua nhiều cơ chế đối thoại song phương, từ lĩnh vực chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại. Hai nước cùng chia sẻ nhiều giá trị chung, cùng tích cực tham gia và không ngừng tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Mối quan hệ đó là kết quả nỗ lực không ngừng của hai bên, bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai nước mong muốn hướng tới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Điểm lại những bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực thời gian qua, Chủ tịch nước cho rằng tiềm năng hợp tác của hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt khi hai nước chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo của các doanh nghiệp tiêu biểu Peru, Chủ tịch nước chia sẻ một số gợi mở cho sự hợp tác của các doanh nghiệp hai bên, trong đó đề nghị phía Peru hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Việt Nam, đặc biệt là các dự án chuyển đổi số, cung cấp hạ tầng số, thành phố thông minh, an ninh mạng, y tế số, giáo dục số; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoàn thiện thủ tục chuyển giao các dự án trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam tại Peru.
Cùng với đó, Chủ tịch nước cho rằng các doanh nghiệp Peru cần nghiên cứu, xem xét khả năng hợp tác phát triển các ngành khai thác khoáng sản, nông sản hữu cơ, chế biến thực phẩm, du lịch…, những lĩnh vực mà Peru đặc biệt có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng, cũng như đang có nhu cầu thu hút đầu tư để tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cơ chế hợp tác song phương, đa phương mà hai bên cũng là thành viên như: APEC, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Peru nói riêng hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng cho biết, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Peru, hai bên đã thống nhất sẽ thúc đẩy việc nâng quan hệ Việt Nam - Peru lên một tầm cao mới theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Peru, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Peru lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng chung.