Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Cần giải pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa phòng ngừa, xử lý nghiêm đối tượng bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em
Thảo luận tại Tổ sáng 25/5, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt quan tâm và đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi bị mất việc và giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực diễn ra nghiêm trọng thời gian qua.
Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại Tổ 10 sáng 25/5. Ảnh: PVH
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 8 nội dung quan trọng. Phát biểu thảo luận tại Tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Giang), đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ đồng tình với Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ đã giúp cho kinh tế của đất nước ta phục hồi nhanh và đạt được những kết quả khá toàn diện tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm và có nhiều cải thiện…
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78,9 ngàn doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000, tăng 25% và xu hướng này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa, người lao động mất việc làm, mất thu nhập và dự báo tình trạng này có thể tăng trong thời gian tới.
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề việc làm, nhất là việc làm cho lao động nữ trung niên bị mất việc, đại biểu Hà Thị Nga cho biết: Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu việc, ngưng việc làm chủ yếu tập trung các ngành da giày, dệt may - là những ngành có tỷ lệ nữ cao, nên đa phần những người bị giãn việc, mất việc đều là lao động nữ, có trình độ phổ thông, có nơi tới 50% số người mất việc ở độ tuổi trên 40.
Đại biểu Hà Thị Nga bày tỏ đánh giá cao tinh thần chủ động, cố gắng nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và các doanh nghiệp cố gắng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, có nơi dành cho lao động nữ sự quan tâm rất cụ thể, thiết thực. Mặc dù vậy, cơ hội việc làm với lao động nữ trên 40 tuổi là khá khó khăn, cũng vì thế là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ rút BHXH 1 lần.
Từ những thực trạng nêu trên, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương tăng cường quan tâm, rà soát để có những đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, để có đánh giá cụ thể những trường hợp, loại hình doanh nghiệp, các lĩnh vực nào là chủ yếu. Để từ đó có giải pháp hỗ trợ, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không còn đủ sức chống chịu, phải rời khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, cần cần có chương trình dành riêng cho đối tượng lao động nữ để chuyển đổi nghề sau khi bị mất việc. Cùng với đó, triển khai các chương trình dạy nghề phù hợp cho lao động nữ; chú trọng việc cập nhật kỹ thuật công nghệ mới cho các ngành nghề truyền thống, nghề thu hút nhiều lao động nữ; tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là khu vực nông thôn phụ nữ tuổi trung niên.
Đồng thời có chính sách khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế có sự sáng tạo, hiệu quả ở các địa phương giải quyết tốt việc làm cho lao động tại chỗ, lao động nông thôn, giảm tình trạng ly hương.
Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị tiếp tục thực hiện tốt việc trợ cấp mất việc làm; tập trung hỗ trợ kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc. Cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo tay nghề cho người lao động ngay tại các doanh nghiệp, giúp họ có điều kiện làm việc lâu dài.
Đại biểu Hà Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến nhu cầu vốn, hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, chính sách cho vay vốn lãi suất ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, bởi hiện nay nhu cầu vay là rất lớn, lên tới trên 43.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ mới bố trí được 10.000 tỷ đồng và số vốn này đã giải ngân hết trong năm 2023.
Tán đồng xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá về bình đẳng giới cấp tỉnh
Theo báo cáo của Chính phủ, số nạn nhân bị bạo lực gia đình phát hiện trong năm 2022 giảm 533 người so với năm 2021 và chỉ tiêu đối với việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giảm so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, số 4.454 vụ bạo lực gia đình phát hiện trong năm 2022 với số 3.440 nạn nhân nữ chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế, so với số liệu điều tra quốc gia về tình trạng bạo lực gia đình với phụ nữ Việt Nam.
Trong báo cáo năm 2022 của Ủy ban Xã hội nêu ra xu hướng vụ bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ, trẻ em có xu hướng tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng hơn. Nhiều trường hợp chưa được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Đặc biệt, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với mức độ rất nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận. Đại biểu Hà Thị Nga nêu một số vụ việc như phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành dã man ở Hải Dương; vụ việc bé gái 12 tuổi ở Lâm Đồng đã được đưa vào nhập viện trong tình trạng đa chấn thương hôn mê, nghi bạn trai của mẹ bạo hành… Thực tế đó đã cho thấy vấn đề hết sức nhức nhối, cần có những giải pháp mạnh mẽ kịp thời hơn nữa, vừa là phòng ngừa và xử lý một cách nghiêm minh.
Trước tình trạng như vậy, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức vấn đề bình đẳng giới một cách thực chất hơn nữa. Qua thực tiễn ở các địa phương cho thấy, mức độ sự quan tâm với lĩnh vực này chưa thật sự thỏa đáng, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới cũng như thực hiện các quy định pháp luật về nội dung này chưa thật có hiệu quả.
Đại biểu Hà Thị Nga cũng bày tỏ đồng tình với các nhóm giải pháp đã được xác định trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021-2023. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá về bình đẳng giới cấp tỉnh. Đây là một giải pháp rất có ý nghĩa góp phần giải quyết tận gốc vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới đang diễn ra ở một số địa phương trong cả nước.