Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị, Người còn là một nhà hành động cách mạng với rất nhiều tư tưởng, hoạt động thực tiễn, trong đó có những tư tưởng và hoạt động thực tiễn về sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN).

Tâm nguyện lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đất nước độc lập, nhân dân tự do. Suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm sức, trí tuệ cho mục đích cao cả ấy. Tuy nhiên, trên cương vị là đứng đầu đất nước trong 24 năm, Người quan tâm đến mọi vấn đề về quốc kế dân sinh, trong đó có việc phát triển KH-CN.

Vào những năm ấy, trình độ dân trí của phần lớn người dân còn hạn chế, có lẽ vì vậy mà khi nói hoặc viết về những vấn đề KH-CN, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn chứa đựng những luận điểm cơ bản, phù hợp với các nhà khoa học chuyên ngành.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, để tìm người tài đức ra gánh vác việc nước, Hồ Chí Minh đã viết bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu Quốc ngày 14.1.1945. Người viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Sau cách mạng tháng tám 1945, mặc dù bối cảnh đất nước vô vàn khó khăn thách thức của những công việc cần kíp giải quyết sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mời các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam và cả nước ngoài về Việt Nam cộng tác, làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nguyên lý cần có cho sự phát triển của đất nước sau khi giành được độc lập: "Chúng tôi cần có tư bản, trí thức và lao động... chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi".

Báo Nhân Dân số 698, ngày 30.1.1956 đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề Quý trọng những người khoa học tiến bộ. Người khẳng định: “Chúng ta quý trọng những người khoa học tiến bộ đời nay và biết ơn những người khoa học tiến bộ đời xưa, vì họ có công to với xã hội”. Cũng báo Nhân Dân, từ số 1447, ngày 26.2.1958 đến số 1474 ngày 25.3.1958 đăng bài viết của Người Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến. Trong bài, Người đã chuyển đến người dân trong và ngoài nước thông điệp “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, năm 1951, Đảng tổ chức Đại hội lần thứ 2. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 đã nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học, kỹ thuật đối với sự phát triển của đất nước, theo đó phải cải cách chế độ giáo dục và “phát triển khoa học, kỹ thuật”. Đặc biệt, ngày 18.5.1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Luận điểm KH-CN phải gắn với sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển KH-CN.

Là một đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, lại có xuất phát điểm về khoa học rất thấp, song ngay từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp phát triển KH-CN của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Nền nông nghiệp Việt Nam khi ấy tự hào với những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ của chiến tranh, đã xuất hiện nhiều nhà khoa học với những phát kiến, công trình đặc sắc như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa, Vũ Đình Cự, Bùi Huy Đáp, Lương Định Của, v.v..

Từ một đất nước hằng năm phải nhập khẩu một khối lượng lớn lương thực, nhờ cải cách về chính sách và áp dụng tiến bộ KH-CN, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Công nghệ bưu chính viễn thông của Việt Nam dù đi sau song nhờ biết “đi tắt đón đầu” đã vươn tới tầm tiến bộ của thế giới, công nghệ thông tin Việt Nam hiện đã phát triển vượt bậc. Các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng đã có nhiều nghiên cứu khoa học được áp dụng thành công; các lĩnh vực tài chính, ngân hàng cơ bản bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới; các nghiên cứu về quốc phòng, an ninh đã giúp Việt Nam chủ động, tự chủ hơn trong sản xuất trang thiết bị, vũ khí phục vụ công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước.

Đặc biệt, các tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực y tế như ghép tạng, chữa vô sinh, nội soi can thiệp, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu… đã đạt trình độ ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, và có những lĩnh vực dẫn đầu.

Gần đây, nhiều nghị quyết mới của Đảng đã được ban hành với rất nhiều khâu đột phá, trong đó có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhiều năm, cuộc cách mạng này đã và đang làm thay đổi mọi mặt, mọi quan hệ trong quá trình sản xuất. Việt Nam đã vẫn đang cùng chung trên chuyến tàu của nhân loại, chúng ta có bắt kịp được nhịp phát triển chung cùng với tiến bộ của thế giới hay tụt hậu về KH-CN do chính chúng ta quyết định.

Sinh thời, do những hạn chế thời đại và nhất là hoàn cảnh chiến tranh nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện thực thi những quan điểm của Người về KH-CN thật sự sâu rộng và hiệu quả. Thế nhưng, những quan điểm của Người, những chỉ dẫn của Người về KH-CN luôn gợi mở cho chúng ta hôm nay nhiều điều.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-su-nghiep-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-232748.html
Zalo