Chủ tịch Hồ Chí Minh với mùa Xuân đầu tiên của Đảng

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhiều sự kiện trọng đại gắn với mùa Xuân, trong đó có Xuân Canh Ngọ năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối, tổ chức và phương pháp để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp năm 1920, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ảnh: Tư liệu

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp năm 1920, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ảnh: Tư liệu

Xuân Ất Tỵ 2025 vừa tròn 95 năm Đảng ta ra đời, chúng ta càng nhận thức rõ hơn giá trị, ý nghĩa và tầm vóc mùa Xuân thành lập Đảng, với vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 5/6/1911, mong muốn tìm một con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi vòng nô lệ, áp bức, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã dấn thân trên các nẻo đường thế giới, với hành trang mang theo là ý chí độc lập và khát vọng tự do. Trong hành trình này, Nguyễn Tất Thành dừng chân lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh, Pháp để tìm hiểu, nghiên cứu cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776, cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước chống chủ nghĩa thực dân.

Chúng ta có thể hiểu được cảm nhận của Người qua những dòng lưu bút ghi vào cuối tháng 12/1912, khi đến thăm tượng Nữ thần Tự do tại Mỹ: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”(1). Nguyễn Tất Thành đã đặt mình vào chỗ đứng của giai cấp cần lao chiếm số đông trên khắp thế giới; đồng thời, cũng thấy rõ bộ mặt thật của số ít bọn người bóc lột tập trung ở các nước đế quốc. Ngay từ năm 1924, Người chỉ rõ: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”(2).

Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu, tiếp biến và phát triển tinh hoa văn hóa tư tưởng phương Đông và tư tưởng các cuộc cách mạng Âu, Mỹ thế kỷ XVII, XVIII, đặc biệt lấy học thuyết cách mạng của Mác và Lênin làm cơ sở thế giới quan và phương pháp luận, xây dựng được một hệ thống quan điểm toàn diện và sáng tạo về tư tưởng giải phóng và phát triển làm “kim chỉ nam” cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Ánh sáng tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chiếu rọi và lan tỏa nhanh chóng trong phong trào cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, từ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã phân hóa thành Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Tân Việt cách mạng Đảng cũng chuyển biến và lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ nhau. Biết được tình hình, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) đã quay trở lại Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản.

95 năm qua, Đảng ta được tôi luyện thử thách và không ngừng trưởng thành, ngày càng xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

95 năm qua, Đảng ta được tôi luyện thử thách và không ngừng trưởng thành, ngày càng xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 (3). Buổi đầu tổ chức tại một căn phòng của một công nhân nghèo, sau đó chuyển qua một số địa điểm khác ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc). Đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, chi bộ của những người cộng sản Việt Nam ở nước ngoài, đã tham dự hội nghị (4). Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt.

Nội dung của các văn kiện trên xác định cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; “thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng...) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý”; “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông…, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến...) thì phải đánh đổ”, “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”, “phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”. Các văn kiện này là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm mừng sự kiện thành lập Đảng (5). Ngày 8/2/1930, các đại biểu ra về (6). Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, các đại biểu Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới có mặt tại Hồng Kông và yêu cầu xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 24/2/1930, việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam được hoàn tất trên thực tế.

Với ý nghĩa đó, mùa Xuân năm 1930 đã ghi một mốc son trong tiến trình lịch sử dân tộc, đánh dấu điểm khởi đầu cách mạng Việt Nam có một đảng cách mạng chân chính dẫn đường cho toàn dân đứng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến; mở ra một kỷ nguyên lịch sử mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trong đó có vai trò rất to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ thực hiện sứ mệnh lịch sử sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc của Đảng trong những chặng đường lịch sử sau này.

Nguyễn Hà Hải

.......................................

(1) Dẫn theo: Một tình yêu lớn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn:

https://nhandan.vn/mot-tinh-yeu-lon-voi-chu-tich-ho-chi-minh-post293269.html

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.287.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.13.

(4) Các đại biểu có mặt tại Hội nghị hợp nhất là: Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu (Đông Dương Cộng sản Đảng), Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu (An Nam Cộng sản Đảng), Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn (hai cán bộ hoạt động ở nước ngoài. Có tài liệu cho rằng, hai đồng chí này chỉ giúp chuẩn bị hội nghị chứ không dự hội nghị). Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập nên chưa kịp cử đại biểu dự hội nghị này.

(5) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.35.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.13.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-mua-xuan-dau-tien-cua-dang-post485972.html
Zalo