Chủ tịch Fed: Cần xem xét lại chiến lược chính sách tiền tệ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, các quan chức Fed tin rằng cần phải đánh giá lại các yếu tố then chốt liên quan đến việc làm và lạm phát trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.

Chủ tịch Fed: Cần xem xét lại chiến lược chính sách tiền tệ
Cân nhắc chiến lược mới trước nguy cơ lạm phát kéo dài
Lý do xuất phát từ kinh nghiệm lạm phát trong những năm gần đây, cùng khả năng các cú sốc cung và áp lực tăng giá đi kèm có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.
“Chúng ta có thể đang bước vào một giai đoạn có nhiều cú sốc cung xảy ra với tần suất cao hơn và kéo dài hơn. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương”, ông Powell phát biểu khai mạc tại hội nghị kéo dài hai ngày nhằm đánh giá lại khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện hành của Fed, được thiết lập từ năm 2020 khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
“Bối cảnh kinh tế đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2020 và quá trình rà soát hiện tại sẽ phản ánh những đánh giá của chúng tôi về các thay đổi đó”, ông nói thêm.
Ông Powell không đề cập trực tiếp đến chính sách tiền tệ hiện hành hay triển vọng kinh tế, song cho biết ông kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 sẽ giảm xuống còn 2,2%, một mức tăng khiêm tốn, dù chưa phản ánh hết những áp lực giá mới từ các biện pháp áp thuế sắp tới.
Dù vậy, đây vẫn là một “kết quả hiếm có trong lịch sử”, khi lạm phát hạ nhiệt từ đỉnh thời kỳ đại dịch mà không gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế - một cú "hạ cánh mềm" đúng theo mục tiêu của chiến lược hiện tại. Hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,2%, cao hơn một năm trước, nhưng vẫn nằm gần mức toàn dụng việc làm theo đánh giá của Fed.
Tuy nhiên, những bình luận của ông Powell cho thấy Fed có thể đang dần chuyển sang một định hướng chiến lược rõ ràng hơn, với mục tiêu chủ động ứng phó với các cú sốc lạm phát tiềm ẩn trong tương lai - điều mà nhiều cựu quan chức và chuyên gia phân tích từng kêu gọi, đặc biệt sau phản ứng chậm trễ của Fed khi lạm phát tăng vọt năm 2021.
Sự thận trọng đối với lạm phát là lý do khiến Fed dè dặt trong việc đưa ra đánh giá cụ thể về tác động của chính sách thuế quan dưới thời chính quyền Trump, vốn làm "mờ" tín hiệu về sức khỏe và hướng đi của nền kinh tế. Các quan chức cũng đang tiếp tục tranh luận về cách thức nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đã thay đổi sau đại dịch.
Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập thị trường, từng góp phần giữ lạm phát ở mức thấp trước đại dịch có thể đang đảo chiều, khi các doanh nghiệp thiết kế lại chuỗi cung ứng theo hướng linh hoạt hơn và hiện nay đang ứng phó với một cuộc chiến thuế quan đang hình thành.
Tạm thời, Fed vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách trong biên độ 4,25% - 4,5% trong khi chờ đợi thêm dữ liệu để đưa ra quyết định tiếp theo.
Xem xét lại mục tiêu lạm phát và cách tiếp cận việc làm
Từ đầu năm đến nay, các nhà hoạch định chính sách cũng đã bắt đầu thảo luận về việc điều chỉnh khuôn khổ chính sách tiền tệ tổng thể, được thể hiện trong một văn kiện xác lập các mục tiêu như lạm phát 2% và cách thức đạt được mục tiêu đó cùng với mục tiêu toàn dụng việc làm.
5 năm trước, Fed từng điều chỉnh chiến lược để tạo điều kiện cho tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp hơn, đồng thời cam kết cho phép lạm phát vượt mức trong một thời gian nhằm bù đắp cho giai đoạn lạm phát thấp kéo dài từ 2010 đến 2019.
Tuy nhiên, với đợt bùng phát lạm phát sau đại dịch và bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi, ông Powell cho rằng cách tiếp cận này cần được xem xét lại.
“Trong các cuộc thảo luận gần đây, nhiều thành viên cho rằng cần xem lại quan điểm thế nào là "thiếu hụt việc làm" - một thay đổi được đưa vào để tránh việc Fed xem tỷ lệ thất nghiệp thấp là tín hiệu tất yếu của nguy cơ lạm phát”, ông Powell nói.
“Trong cuộc họp tuần trước, chúng tôi cũng có quan điểm tương tự về mục tiêu lạm phát trung bình. Chúng tôi sẽ đảm bảo tuyên bố đồng thuận mới đủ vững chắc để thích ứng với nhiều kịch bản và diễn biến kinh tế khác nhau”, Chủ tịch Fed cho biết thêm.
Những phát biểu của ông cho thấy khả năng Fed sẽ thực hiện những điều chỉnh sâu rộng đối với chiến lược từng được xem là bước ngoặt lớn vào năm 2020, trong đó thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hỗ trợ thị trường lao động và chấp nhận lạm phát cao hơn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Powell thừa nhận rằng “ý tưởng về việc cố tình cho lạm phát vượt mục tiêu ở mức vừa phải đã trở nên không còn phù hợp trong thực tiễn chính sách” kể từ khi lạm phát gần chạm mức hai con số trong giai đoạn tái mở cửa hậu đại dịch.
Theo ông, các điều chỉnh chiến lược sẽ được công bố “trong vài tháng tới”.