Chủ tịch ADB: Hành động tập thể cùng nhau giải quyết những thách thức phức tạp

Những bất ổn mà châu Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt cũng là cơ hội để xây dựng một tương lai thích ứng và bền vững hơn.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Masato Kanda

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Masato Kanda

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Masato Kanda

Đó là phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda tại Phiên khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 58 của Hội đồng Thống đốc ADB. Hội nghị diễn ra tại Milan, Ý, thu hút hơn 5.000 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện của các chính phủ (bao gồm Thủ tướng Ý Giorgia Meloni) khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các học viện.

“Những cú sốc bên ngoài, gánh nặng nợ nần và biến đổi khí hậu đang đè nặng lên người dân và nền kinh tế của khu vực. Nhưng, chúng ta không bắt đầu từ con số không. Tăng trưởng vẫn vững chắc, thương mại và hội nhập kinh tế đang ngày càng sâu sắc, chuỗi cung ứng đang đa dạng hóa và kết nối kỹ thuật số và đổi mới đang tăng tốc. Bất ổn không phải là lý do để thoái lui. Đó là lời kêu gọi phải táo bạo hơn, hành động nhanh hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”, ông Kanda cho biết.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti và Thống đốc Ngân hàng Ý kiêm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ADB Fabio Panetta cũng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác của Ý với ADB.

"Sự hợp tác được tăng cường sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong dài hạn, tránh hiện thực hóa các rủi ro bất lợi và giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra", ông Giorgetti cho biết. "Là một ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu và là đối tác đáng tin cậy tại châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã và đang nỗ lực giải quyết những thách thức phức tạp cùng với các thành viên và đối tác của mình, cả trong khu vực và ngoài khu vực".

Hội nghị Thường niên năm nay nêu bật bốn lĩnh vực trọng tâm đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi tại châu Á và Thái Bình Dương.

Đầu tiên, để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của các hệ thống lương thực trong khu vực, ADB sẽ tăng quy mô tài trợ cho quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực lên 40 tỷ USD vào năm 2030.

Thứ hai, ADB đang đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số để cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, tài chính và thị trường.

Thứ ba, ADB đang đầu tư vào việc hiện đại hóa và kết nối các hệ thống năng lượng, bao gồm cả việc sẵn sàng cam kết lên tới 10 tỷ USD để hỗ trợ công việc trong chương trình Lưới điện ASEAN.

Thứ tư, ADB đang tăng cường đầu tư để xây dựng khả năng chống chịu bằng cách củng cố cơ sở hạ tầng, phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái, đồng thời giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

ADB cũng tái khẳng định cam kết tăng quy mô phát triển khu vực tư nhân, hướng tới mục tiêu tăng gấp bốn lần nguồn tài trợ cho khu vực tư nhân lên 13 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chu-tich-adb-hanh-dong-tap-the-cung-nhau-giai-quyet-nhung-thach-thuc-phuc-tap-post368683.html
Zalo