Chủ quan với đau răng, người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Sau khi tự uống thuốc giảm đau và kháng sinh tại nhà để điều trị đau răng, bệnh nhân thấy tổn thương ngày càng lan rộng. Đến khi khối áp xe chèn ép đường thở, bệnh nhân mới đến viện điều trị.

Ngày 31/3, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa qua, các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đã tạng sau khi đau răng.

Theo đó, bệnh nhân nam (74 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Khai thác thông tin từ người nhà, bệnh nhân khởi phát đau răng hàm dưới bên phải từ 20 ngày trước vào viện, tự điều trị giảm đau và kháng sinh tại nhà, nhưng bệnh không cải thiện. Sau đó sưng đau lan rộng vùng dưới hàm phải. Bệnh nhân chỉ nhập viện khi khối áp xe chèn ép đường thở.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tại khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan: ý thức lơ mơ, huyết áp tụt thấp, vô niệu, kèm theo tình trạng toan chuyển hóa nặng.

Trước tình trạng nguy kịch, bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, sử dụng kháng sinh mạnh, vận mạch liều cao, bù dịch, kháng sinh, lọc máu liên tục, kết hợp với đó là hội chẩn đa chuyên khoa: trực khối ngoại bệnh viện, trực gây mê hồi sức, trực phẫu thuật sọ mặt tạo hình.

Trong vòng 1 tiếng sau thời điểm vào khoa, bệnh nhân đã được phẫu thuật chích rạch ổ áp xe, dẫn lưu ổ mủ vùng hàm mặt phải, kèm theo nhổ răng sâu tại phòng mổ chính là buồng bệnh tại khoa do tình trạng nặng, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

TS Phạm Đăng Hải, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc cho biết, áp xe vùng hàm mặt có thể tiến triển nhanh chóng thành sốc nhiễm khuẩn, cần phải có can thiệp sớm cả nội khoa và ngoại khoa. Đây là một ca bệnh rất nặng, do bệnh nhân tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2), cộng thêm việc không được theo dõi, điều trị kịp thời do người bệnh chủ quan, chỉ vào viện khi tình trạng đã rất nặng.

Nếu không được phẫu thuật giải quyết ổ nhiễm khuẩn, kết hợp các biện pháp hồi sức sớm theo phác đồ, hoặc thực hiện phẫu thuật tại phòng mổ như các ca thông thường khác thì có thể dẫn đến tử vong nếu quá trình vận chuyển không đảm bảo từ khoa phòng xuống phòng mổ.

Việc phối hợp đa chuyên khoa, ngay tại chỗ đã bước đầu góp phần cứu sống bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã thoát sốc, cắt được vận mạch, hiện đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Từ trường hợp này, các chuyên gia cảnh báo tính chất nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng, người dân không nên chủ quan khi có các dấu hiệu đau răng, sưng nóng vùng hàm mặt. Khi có những biểu hiện trên, cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và chuyển tuyến chuyên khoa nếu cần thiết.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chu-quan-voi-dau-rang-nguoi-dan-ong-bi-soc-nhiem-khuan-suy-da-tang-172250331112913383.htm
Zalo