Chủ nhân của 'đời sống tốt đẹp'
Khát vọng của con người nói chung, lịch sử tư tưởng chính trị nói riêng đều liên tục đề cập về một “Đời sống tốt đẹp”. Hiện nay, nhiều nước tìm kiếm con đường và cách thức xây dựng “Quốc gia tươi đẹp” (A beautiful country) hay “Một nơi đáng sống”. Dù những quan niệm mang định tính, trừu tượng hay các nội dung cụ thể, “Đời sống tốt đẹp” phải được thực thi bởi một lực lượng nhất định. Tìm hiểu thêm về lịch sử tư tưởng chính trị đối với nội dung này có thể giúp chúng ta nhận ra chủ nhân thực sự có tính quyết định để có được “Đời sống tốt đẹp”.
Tốt đẹp trái với xấu xa. “Đời sống tốt đẹp” được triết gia và là nhà chính trị học Hy Lạp cổ đại Plato (427 - 347 TCN) đề cập. “Sống tốt” không phải là sống để trở nên giàu có về vật chất hay khoái lạc, mà sống theo những giá trị đức hạnh cơ bản như thông thái, mộ đạo và trên tất cả là công lý. Và theo Plato, người có thể tạo ra “Đời sống tốt đẹp” chính là nhà cầm quyền và nhân vật ấy phải thông thái, tài năng và đức độ. Ông nói: “Nếu các nhà hiền triết không lên ngôi vua, thì các thành quốc sẽ không bao giờ thoát khỏi cái ác”.
Nhìn lại lịch sử thế giới và Việt Nam, nhận định này của Plato là khá chính xác. Những giai đoạn hoàng kim của một đất nước đều ghi nhận về vị vua sáng. Kế tục tư tưởng thầy mình, Aristotle (384 - 322 TCN) - nhà khoa học, triết học và chính trị học vĩ đại cho rằng, mục đích của con người là sống một “Đời sống tốt đẹp”. Theo Aristotle, sống một “Đời sống tốt đẹp” có nghĩa là mưu cầu những giá trị đức hạnh như công lý, cái thiện và cái đẹp. Và, Nhà nước chính là phương tiện để đạt được giá trị ấy. Ông cho rằng, Nhà nước là sự phát triển tự nhiên đối với con người bởi: “Con người tập hợp lại để tạo nên các hộ gia đình, hộ gia đình tạo nên làng xã, làng xã tạo nên thành thị”. Vì, “Con người về bản chất là một sinh vật chính trị”. Đối với Aristotle, sự tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động Nhà nước là điều cần thiết cho một xã hội lành mạnh.
Tiếp thu và phát triển những thành tựu từ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, Karl Marx phát hiện quy luật vận động của lịch sử xã hội loài người. Xã hội luôn vươn lên những điều tốt đẹp và dần hoàn thiện, mà nhân tố quyết định điều “hiển nhiên” ấy là lực lượng sản xuất tiên tiến, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò quyết định. Ông cho rằng, khi người lao động nắm và sử dụng quyền lực chính trị để “tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp. Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).
Như vậy, theo Karl Marx, xã hội “tốt đẹp” có được do chính người lao động. Trong luận thuyết của mình, ông luôn nhấn mạnh quần chúng là người làm nên lịch sử. Dĩ nhiên, để có thể hoàn thành sứ mệnh ấy, người lao động cần có tổ chức đại diện cho mình. Vì vậy, các ông cho rằng: “Việc tổ chức giai cấp công nhân thành một chính đảng là cần thiết để bảo đảm thắng lợi của cách mạng xã hội và giành được mục đích cuối cùng của nó là thủ tiêu các giai cấp”.
Lược khảo vài tư tưởng lớn từ cổ đại đến hiện đại cho thấy, “Đời sống tốt đẹp” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong khát vọng của con người. Và, nhân tố bảo đảm đạt mục tiêu ấy được các nhà tư tưởng chỉ ra là dựa vào nhà cầm quyền - “thông thái” hoặc do bản thân người lao động - “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nhưng, lúc này, nơi kia, người ta lại tuyệt đối nhấn mạnh một lực lượng nào đó. Các nghiên cứu về “Quốc gia hạnh phúc” hay việc xây dựng “Nông thôn mới” ở Trung Quốc và Việt Nam cho thấy rõ thêm về vai trò của chủ thể của tiến trình ấy.
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng “Nông thôn mới” với các cấp độ khác nhau (Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu) cùng những tiêu chí cụ thể. Nói một cách khái quát nhất, xây dựng “Nông thôn mới” thực chất là kiến tạo một xã hội nông thôn thịnh vượng, hiện đại, văn minh. Và ở đây, các tổ chức trong hệ thống chính trị có vai trò định hướng, dẫn dắt và hướng dẫn thông qua chính sách, kế hoạch, tổ chức phối hợp, hỗ trợ nhất định. Dù “cấp trên” là nhân tố không thể thiếu, nhưng chủ nhân chính thật sự tạo dựng được “bức tranh” nông thôn mới sinh động với cuộc sống trù phú, cảnh quan tươi đẹp, khang trang, thanh bình chính là nông dân.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, tuy có những quan niệm khác nhau, loài người luôn đi tìm kiếm “Đời sống tốt đẹp” mà trong đó việc lý giải về chủ thể là nội dung có giá trị đặc biệt đối với nhận thức. Ngay thời hiện đại, không ít người còn lúng túng hoặc bị ngộ nhận. Với quan niệm nhân bản, học thuyết Marx chỉ ra: Người lao động là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Và chỉ khi “chủ nhân” thật sự này có đủ khả năng và phẩm chất làm chủ thì mới tạo ra được một “Đời sống tốt đẹp”.