Chủ động ứng phó với khô hạn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4 đến tháng 7, nắng nóng, khô hạn có khả năng xảy ra tại nhiều khu vực đặc biệt là Tây Bắc Bộ (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu...) và các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk...

Tình trạng khô hạn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.H.

Tình trạng khô hạn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.H.

Nước sông nhiều nơi xuống rất thấp

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2025, trên địa bàn tỉnh có nắng nóng đầu mùa. Mực nước trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Trong trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các hồ, đập tích không đủ nước so với thiết kế, mực nước sông xuống thấp sẽ khiến diện tích 13.300 - 17.200ha đất có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán; trong đó, diện tích có khả năng xảy ra hạn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng từ 7.900 - 8.700ha.

Tại Thanh Hóa, khoảng 1.400ha vùng ven biển bị ảnh hưởng thủy triều có khả năng bị thiếu nước, xâm nhập mặn. Khi nắng nóng kéo dài, mực nước sông xuống thấp, độ mặn 1% vùng cửa sông, ven biển duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 18-24 km gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ giữa tháng 12/2024 đến tháng 4/2025, mực nước và lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối dao động theo xu thế giảm dần; dòng chảy trên các sông duy trì ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 15 - 20%. Cá biệt, sông Đăk Bla có mức nước và dòng chảy thấp hơn khoảng 60% so với những năm trước. Đài cảnh báo, trong tháng 4, khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô... Còn theo UBND tỉnh Phú Yên, dự báo từ tháng 4 đến tháng 8, nắng nóng xảy ra cục bộ tại vùng núi phía Tây của tỉnh. Mùa khô năm 2025, lượng mưa tại các trạm tại tỉnh tiếp tục giảm, có khả năng thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm. Do vậy, dự báo ở khu vực vùng núi và ven biển trong tỉnh sẽ xảy ra hạn hán. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng từ tháng 5 - tháng 8, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 6.456 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán. Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang xảy ra ở Cà Mau dẫn đến khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn. Mùa khô năm nay, tình hình xâm nhập mặn ở Cà Mau diễn biến gay gắt, nghiêm trọng hơn dưới sự tác động tiêu cực của biến đối khí hậu so những mùa khô năm trước, đơn cử như xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, toàn xã hiện có trên 600 hộ thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tăng cường các giải pháp ứng phó

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Huy cho biết, hiện nguồn nước tại 86 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tích trữ đầy nước theo dung tích thiết kế, qua tính toán, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025. Tại các đập dâng và hồ chứa nhỏ nguồn nước vẫn ổn định. Tuy nhiên, tại một số công trình có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum trong điều kiện xảy ra thời tiết nắng nóng kéo dài có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước về cuối vụ.

Đối với tỉnh Phú Yên, nhận định tình hình thời tiết nắng nóng cục bộ xảy ra sớm, lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm, Phú Yên đã triển khai phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2025 trên địa bàn với những giải pháp quyết liệt.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho từng vùng. Với những vùng không đảm bảo nguồn nước, các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng đề nghị các đơn vị quản lý công trình thủy lợi chủ động triển khai sửa chữa, tu bổ, nạo vét công trình, kênh mương, kênh dẫn, cống lấy nước, bể hút… đảm bảo thông suốt nguồn nước trên toàn hệ thống.

Đối với tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, người dân, tổ chức liên quan để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó; đồng thời báo cáo tình hình ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và kiến nghị, đề xuất những vấn đề phát sinh về các bộ, ngành có liên quan.

Trước đó, để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 128/CĐ-TTg, ngày 8/12/2024 trong đó yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo rà soát, đánh giá khả năng nguồn nước, xây dựng phương án sử dụng nguồn nước phù hợp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt của nhân dân trong các tháng cao điểm nắng nóng, hạn hán.

T.Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-ung-pho-voi-kho-han-10303636.html
Zalo