Chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An và các địa phương đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
Theo bản tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ (từ ngày 21/01 đến 31/01/2025) của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế tăng dần, độ mặn cao nhất tại các trạm sẽ phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 01/2024.
Cụ thể, từ ngày 21/01 - 31/01/2025, độ mặn cao nhất tại trạm Bến Lức, trên sông Vàm Cỏ Đông là 1,4 gam/lít (g/l); độ mặn cao nhất tại trạm Tân An, trên sông Vàm Cỏ Tây là 0,2 g/l.
Đáng chú ý là từ ngày 28/01 đến 03/02/2025, trùng với những ngày Tết Nguyên đán, sẽ có 1 đợt mặn tăng cao. Do đó, để hạn chế thiệt hại, bảo đảm sản xuất và dân sinh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn tại các huyện phía Nam của tỉnh.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch vận hành các công trình đầu mối để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lục, công nhân vận hành cống Châu Phê (phường 5, TP.Tân An), cho biết: “Hiện tại, lúa của nông dân trong quá trình tỉa, dặm nên rất cần nước, do đó, từ ngày 07/01 đến nay, cống liên tục được tích thêm nước để phục vụ sản xuất. Thông thường, trước khi lấy nước thêm vào hệ thống cống, tôi đều lấy máy đo mặn để đo. Nhìn chung, đến thời điểm này, mặn vẫn chưa xuất hiện”.
Qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các huyện Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Tân Trụ và TP.Tân An, có khoảng 16.887ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, có 12.226ha lúa; 469ha rau màu; 2.268ha chanh; 49ha thanh long và 1.875ha cây trồng khác.
Để chủ động ứng phó với tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin tình hình chất lượng nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông, kênh, rạch; thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước,... của các cơ quan dự báo Trung ương, tỉnh để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Hữu Phương thông tin: “Đối với các huyện vùng hạ, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn cần có kế hoạch đóng cống phù hợp để ngăn mặn. Riêng đối với các trạm bơm Cây Gáo, Rạch Đào (huyện Thủ Thừa) cần tranh thủ lúc triều xuống thấp, độ mặn giảm, chất lượng nước bảo đảm có thể bơm vào để phục vụ sản xuất cho khu vực huyện Thủ Thừa và Tân Trụ”.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện nay, do ảnh hưởng của kỳ triều kém nên độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Tra dao động ở mức từ 0,1-11,3 g/l, thấp hơn so cùng kỳ mùa khô 2023-2024 từ 0,6-4,4 g/l và thấp hơn cùng kỳ so với mùa khô 2019-2020 từ 0,7-10,8 g/l.
Tuy nhiên, mùa khô năm 2025 được dự báo sẽ kéo dài, khắc nghiệt với nhiệt độ cao và lượng mưa thiếu hụt, đặc biệt là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước trong sinh hoạt và gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp sẽ diễn ra gay gắt. Do đó, các ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất và dân sinh./.