Công bố kết quả điều tra về lao động trẻ em Việt Nam

Đây sẽ là nguồn thông tin giá trị cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo công bố kết quả điều tra lao động trẻ em năm 2023, tổ chức sáng 23/1, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dân số Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 100 triệu người, là quốc gia có quy mô dân số lớn thứ 16 trên thế giới. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15 đến 64 tuổi chiếm 67,4% (cứ 2 người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc). Đây là điều kiện cơ bản, rất quan trọng giúp Việt Nam có đủ nguồn lực về con người để phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam cũng là con số rất lớn; với khoảng 21 triệu trẻ em, chiếm khoảng 20,6% tổng dân số. Thực tế, trẻ em chính là nền tảng hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Từ kết quả của cuộc điều tra, Việt Nam đã có được một bức tranh toàn diện về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023.

Các thông tin có được là rất cơ bản và đầy đủ, như: quy mô dân số trẻ em; quy mô trẻ em tham gia lao động; quy mô lao động trẻ em; tình trạng đi học của lao động trẻ em; các vấn đề về sức khỏe lao động trẻ em gặp phải khi làm việc…

“Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là nguồn thông tin giá trị cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; cũng như có căn cứ để các đối tượng dùng tin triển khai hoạt động nghiên cứu và các công tác khác nhằm góp phần chăm lo ngày một tốt hơn cho sự phát triển của trẻ em, để trẻ em Việt Nam có một tuổi thơ hạnh phúc và Việt Nam có thế hệ kế cận tiềm năng”, ”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Báo cáo một số kết quả chủ yếu về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em ở Việt Nam năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, năm 2023, dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam là 20,6 triệu người, chiếm 20,6% tổng dân số toàn quốc. Trong đó, trẻ em nhóm 5-11 tuổi là 11,8 triệu người, chiếm 57,2%; trẻ em nhóm tuổi 12-14 và 15-17 lần lượt là 4,7 triệu người và 4,1 triệu người, chiếm 22,9% và 19,9%. Trẻ em sống ở khu vực thành thị chiếm 35,0%, ở khu vực nông thôn chiếm 65%.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Số liệu từ điều tra lao động việc làm năm 2023 cho thấy, hoạt động quan trọng hàng đầu của trẻ em là “đi học”. Trong tổng số 20,6 triệu trẻ em 5-17 tuổi, có 19,9 triệu trẻ “đang đi học”, chiếm 96,4%, trong đó có 94,8% trẻ em “chỉ đi học” và chỉ có 1,6% trẻ em phải “vừa học vừa làm”. Tỷ lệ trẻ em đang đi học ở khu vực thành thị cao hơn đôi chút so với ở khu vực nông thôn, 97,5% so với 95,8%. Không có sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong cơ hội được đi học khi tỷ lệ trẻ em gái đi học cao hơn tỷ lệ này ở trẻ em trai 0,8 điểm phần trăm, 96,8% so với 96,0%.

Toàn quốc có 731,6 nghìn trẻ em tham gia lao động. Đa phần trẻ em tham gia lao động đang cư trú ở khu vực nông thôn (84,6%) và tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,7%). Số trẻ em tham gia lao động ở 4 vùng còn lại chỉ chiếm 47,3%.

Tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 3,5%, điều này có nghĩa là trong 100 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi thì có gần 4 em tham gia lao động, tỷ lệ này giảm 5,6 điểm phần trăm so với năm 2018 khi tỉ lệ trẻ em tham gia lao động là 9,1%. Những thành tựu đáng ghi nhận về tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm, tỷ lệ đi học của trẻ em 5 đến 17 tuổi, giảm đói nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em tham gia lao động.

Trong 6 vùng kinh tế xã hội thì Trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ trẻ em tham gia lao động cao nhất cả nước. Ở vùng này, cứ 100 trẻ em thì có khoảng hơn 7 trẻ tham gia lao động. Tiếp theo là Vùng Tây Nguyên với 6,4% trẻ tham gia lao động. Con số này ở vùng Đồng bằng sông Hồng là thấp nhất, chưa đến 1%.

Hơn hai phần ba (70,6%) trẻ tham gia lao động thuộc nhóm từ 15-17 tuổi. Số trẻ trong độ tuổi 12 đến 14 chiếm tỷ trọng 23,8% tổng số trẻ tham gia lao động. Con số này ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là 5,6%.

Bà Mai cho biết, mức thu nhập bình quân chung của lao động trẻ em là khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, chưa bằng một phần hai mức thu nhập bình quân của những người lao động từ 15 tuổi trở lên (7,1 triệu đồng/người/ tháng). Điều này cho thấy thu nhập bình quân mà lao động trẻ em tạo ra là thấp trong khi đó việc đi làm đã khiến các em mất đi cơ hội học tập và chuẩn bị các kiến thức tốt hơn cho tương lai.

Không những thế, các công việc mà các em đang làm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của chính các em. Do đó việc tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em là điều cần thiết, rất quan trọng và cần sự có sự quan tâm từ những nhà quản lý.

Đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khó kiểm soát và phát hiện; đồng thời, tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng nghèo, gia đình mất việc làm, tình trạng trẻ em lang thang xin ăn và trẻ em bỏ học.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cong-bo-ket-qua-dieu-tra-ve-lao-dong-tre-em-viet-nam/361077.html
Zalo