Chủ động ứng phó thời tiết bất thường
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, báo hiệu sự chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vào thời điểm này là thời tiết thường diễn biến phức tạp, dông, lốc, sét, gió giật mạnh thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh, cảnh báo, thời điểm giao mùa thường xuất hiện những nhiễu động khí quyển, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa đầu mùa thường kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, gió giật mạnh có thể gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, cây cối và hoa màu của người dân. Ðặc biệt, ở nội ô TP Cà Mau, mưa lớn trong thời gian ngắn có thể vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống cống rãnh, gây ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Tổng lượng mưa tháng 5/2025 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Trong đó, mưa nhiều tập trung vào thời kỳ đầu và giữa tháng với tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN; thời kỳ cuối tháng có tổng lượng mưa thấp hơn TBNN 10-20%. Ngoài ra, nhiệt độ không khí trung bình tháng 5/2025 từ 28-29oC, ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ và thấp hơn cùng kỳ năm 2024; nhiệt độ cao nhất từ 33-35oC; nhiệt độ thấp nhất từ 24-26oC. Trong tháng 5 khả năng còn xuất hiện 2-3 ngày nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 34-35oC, ở mức thấp hơn TBNN; cường độ nắng nóng không gay gắt như cùng kỳ mùa khô năm 2024.

Cơn mưa chiều 13/5 chỉ kéo dài hơn 40 phút nhưng làm cho nhiều tuyến đường nội ô TP Cà Mau ngập sâu. (Ảnh chụp đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8).
Cũng theo ông Hưng, năm nay biển Ðông có thể đón 11-13 cơn bão, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nguy cơ xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên vẫn cao. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, thiên tai làm chìm 5 tàu cá, mất tích 1 thuyền viên, trôi dạt được cứu vớt 5 thuyền viên; dông lốc làm sập 3 căn nhà, tốc mái 6 căn; xảy ra 4 vụ sạt lở đất ven sông, 1 vụ sóng biển đánh trực tiếp làm sạt lở đất ven biển ảnh hưởng đến vuông tôm của 7 hộ dân và triều cường dâng cao làm bể 18 m bờ bao nuôi tôm của 1 hộ dân... Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 10,8 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 26/4, trên địa bàn Ấp 5, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh xảy ra dông lốc, làm sập hoàn toàn mái che một cây xăng.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ sụt lún, sạt lở đất ven sông, làm thiệt hại hàng trăm mét lộ bê tông. (Trong ảnh: Hiện trường vụ sụt lún đất, xảy ra vào ngày 25/4/2025, trên địa bàn ấp So Ðũa, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân).
Trước đó, năm 2024, trên địa bàn tỉnh, thiên tai làm 1 người chết (bị sét đánh) và 6 người bị thương (do dông lốc); thiệt hại, hư hỏng 224 căn nhà, ngã đổ 6 trụ điện, 4 cây xanh; sạt lở ven sông 110 vị trí với chiều dài 2.903 m, 4 công trình dân sinh; mưa lớn gây ngập úng làm thiệt hại hơn 940 ha lúa hè thu; triều cường làm thiệt hại 2,5 ha ao nuôi tôm siêu thâm canh, bể 105 m bờ bao vuông tôm; hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài 19.056 m... Ước tổng thiệt hại trên 46,1 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai với hơn 10 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về các nguy cơ thời tiết xấu, đồng thời có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết đầu mùa mưa luôn tiềm ẩn những yếu tố bất thường, không theo quy luật tự nhiên. Việc nâng cao ý thức phòng tránh và chủ động ứng phó sẽ giúp giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.