Chủ động thích ứng phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ để tăng xuất khẩu

7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ước tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam.

 Các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ được cảnh báo nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ được cảnh báo nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Hàng Việt đối mặt với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng cuối năm với kỳ vọng đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu hai nước đạt mốc trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường

" Quy trình tuân thủ, chi phí tuân thủ cũng như phòng ngừa rủi ro về nguy cơ bị đe dọa trong chống bán phá giá là những nguy cơ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải theo đuổi các sự vụ này rất tốn kém về thời gian và tiền bạc”. TS. Nguyễn Quốc Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Phân tích động lực tăng trưởng thương mại của hai nước trong thời gian qua, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng được phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.

Dù vậy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đang gặp nhiều rào cản, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế phòng vệ thương mại cũng như chuyền tải hàng hóa.

“Tính đến tháng 6/2024, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc. Không chỉ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam mà Hoa Kỳ còn là thành viên điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trong các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nhiều thị trường khác” - ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin và phân tích.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường sử dụng công cụ này để hạn chế nhập khẩu, giảm bớt áp lực cạnh tranh. Các ngành hàng xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại có kim ngạch từ thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao, như: Các sản phẩm thép, thủy sản (tôm, cá tra), máy móc thiết bị, gỗ, đồ nội thất, túi giấy, túi ni lông, nhôm... và gần đây là mặt hàng đĩa giấy.

Chính vì vậy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần xác định nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại sẽ luôn hiện hữu cùng với gia tăng xuất khẩu và cần chủ động trong kế hoạch ứng phó.

Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của kinh tế Việt Nam

Bộ Công thương cho biết, ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành kết luận, theo đó mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, quyết định này gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam khi làm ăn với nhau. Doanh nghiệp 2 bên sẽ phải chịu những chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn so với việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Khi chịu hao tổn về chi phí, doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển sang các thị trường khác có tính cạnh tranh cao hơn. Quy trình doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Mỹ tiếp tục sẽ lâu hơn, phức tạp hơn so với doanh nghiệp các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam.

“Chúng ta xác định được rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong đó, thiệt hại vô hình nhưng lại lớn nhất là sự khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, sự phân biệt đối xử giữa các hàng hóa. Nhất là hàng hóa sản phẩm có cùng sự cạnh tranh đối với các hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ hoặc các thị trường khó tính khác. Quy trình tuân thủ, chi phí tuân thủ cũng như phòng ngừa rủi ro về nguy cơ bị đe dọa trong chống bán phá giá là những nguy cơ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải theo đuổi các sự vụ này rất tốn kém về thời gian và tiền bạc” - ông Việt cảnh báo.

Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp, Phó Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp liên quan đến mặt hàng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ cần tăng cường quản trị rủi ro. Các yếu tố khó lường, nhất là những khó lường về chính sách phải được doanh nghiệp đưa vào để quản trị.

Ở góc độ cơ quan đại diện Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, bổ sung, hoàn thiện lập luận gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-thich-ung-phong-ve-thuong-mai-tai-hoa-ky-de-tang-xuat-khau-157339-157339.html
Zalo