Chủ động tầm soát lao trong cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 về số người mắc bệnh lao. Sau 2 năm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia gián đoạn vì dịch Covid-19, số lượng người bệnh trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao. Phòng, chống lao từ thế bị động sang chủ động chính là giải pháp cấp thiết mà ngành y tế Cà Mau nỗ lực thực hiện để đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Trước đây, việc tầm soát bệnh lao tại Cà Mau chỉ mang tính thụ động, nghĩa là khi bệnh nhân có triệu chứng, chẳng hạn như: ho kéo dài, sốt, ớn lạnh, sụt cân, ho ra máu hoặc khó thở thì bệnh nhân mới đến các cơ sở y tế để tầm soát. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát hiện người bệnh lao rất khó nhận biết vì người khỏe mạnh, không ốm, ho, gầy mòn vẫn có thể mắc bệnh.

Theo nghiên cứu, cứ 1 người dương tính trong cộng đồng có thể lây cho 10 người và 1/3 dân số trên toàn cầu đều có thể mắc lao tiềm ẩn. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có cam kết với Tổ chức WHO, đến năm 2030, Việt Nam sống trong môi trường không có bệnh lao (tương đương với tỷ lệ 20 người/100 ngàn dân không mắc bệnh lao). Tuy nhiên, so với hiện tại, chỉ tiêu này khó đạt, vì bên cạnh việc tầm soát còn là vấn đề ý thức của người dân.

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh lao, thời gian qua, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, 100% bệnh nhân đến bệnh viện và người nghi lao đều được lấy xét nghiệm đàm. Vừa qua, bệnh viện đã tổ chức 2 đợt sàng lọc chủ động; trong đó, đợt sàng lọc thứ nhất có 80 lượt bệnh nhân và phát hiện 4 ca dương tính.

Trước khi chụp X quang bệnh nhân được đo các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp.

Trước khi chụp X quang bệnh nhân được đo các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp.

Bác sĩ CKII Trần Quang Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang tập trung sàng lọc lao tại các trại giam, các cơ sở tập trung. Cùng với đó, vận động mạnh thường quân để tầm soát lao miễn phí cho bệnh nhân khi đến bệnh viện. Quy trình tầm soát cũng đơn giản, bệnh nhân sẽ được ghi thông số về mạch, huyết áp, chụp X-quang. Từ kết quả X-quang, bác sĩ tư vấn, sau đó lấy mẫu đàm bằng sinh học phân tử để xét nghiệm, sau 3 ngày sẽ có kết quả. Ban đầu, bệnh nhân đến sàng lọc trên tinh thần muốn an tâm, tuy nhiên, những trường hợp dương tính đều bất ngờ trước kết quả”.

Bệnh nhân được bác sĩ chụp X-quang và tư vấn tầm soát lao miễn phí.

Bệnh nhân được bác sĩ chụp X-quang và tư vấn tầm soát lao miễn phí.

Theo Bác sĩ Dũng, vấn đề khó khăn nhất trong tầm soát bệnh lao chính là ý thức chủ động của người dân. Bên cạnh đó, với những khoảng cách, chênh lệch điều kiện kinh tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, hiện tượng di dân cũng là nguyên nhân dễ gây phát tán mầm bệnh và cũng là trở ngại lớn trong việc theo dõi, giám sát, điều trị lao. Ðiều quan trọng trong công tác tuyên truyền về bệnh lao hiện nay là phải xóa đi định kiến người bệnh lao là những người ốm o, gầy mòn, ho hen. Bệnh lao có thể lây lan ở bất kỳ một người khỏe mạnh nào. Hoặc những người bề ngoài có vẻ bình thường, cơ địa mập mạp nhưng vi trùng lao âm thầm phát triển trong cơ thể mà người đó không hề hay biết.

“Ðối với lao tiềm ẩn, khi phát hiện kịp thời, người bệnh có thể dùng thuốc trong thời gian 3 tháng, mỗi tuần uống thuốc 1 lần sẽ ngăn chặn bệnh không trở thành lao tiến triển, giúp giảm đi nguồn lây. Hiện nay, việc tầm soát lao ở các địa bàn nông thôn sâu cũng đã dễ dàng, thuận lợi hơn trước, vì bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị để xét nghiệm lao nhỏ gọn, dễ di chuyển như máy đọc phim hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo, xét nghiệm đàm bằng sinh học phân tử, rất hiệu quả.

Dự kiến trong năm 2025, từ nguồn dự án của nước ngoài, bệnh viện sẽ tổ chức tầm soát lao chủ động trên diện rộng, trước mắt sẽ thực hiện ở địa bàn 2 huyện Thới Bình và Trần Văn Thời”, Bác sĩ Trần Quang Dũng cho biết thêm./.

Yến Nhi - Hữu Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-tam-soat-lao-trong-cong-dong-a36343.html
Zalo