Chủ động, quyết liệt kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí

Đánh giá tại sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) quý I/2025, tỉnh Hòa Bình là 1 trong 5 địa phương trên toàn quốc (Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh) có số người chết giảm trên 40% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thời gian qua.

Đánh giá tại sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) quý I/2025, tỉnh Hòa Bình là 1 trong 5 địa phương trên toàn quốc (Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh) có số người chết giảm trên 40% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thời gian qua.

Lực lượng chức năng tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại địa phận xã Quang Tiến (TP Hòa Bình).

Lực lượng chức năng tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại địa phận xã Quang Tiến (TP Hòa Bình).

Với sự tập trung chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, từ đầu năm đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực. Quý I/2025, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 43 vụ TNGT, làm chết 20 người và bị thương 36 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 36 vụ (43/79 vụ, tương đương giảm 45,6%); giảm 16 người chết (20/36 người, tương đương giảm 44,4%); giảm 40 người bị thương (36/76 người, tương đương giảm 44,4%). Nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành quy định về TTATGT như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, lấn làn, chuyển hướng, vượt sai quy định.

Đặc biệt, quý I là thời gian thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, lực lượng Công an thực hiện chủ trương bỏ Công an cấp huyện và các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện chủ trương sáp nhập. Tuy nhiên, với kết quả trên cho thấy, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, không để gián đoạn; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đào tạo, sát hạch, xử lý nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT, tuyên truyền pháp luật về TTATGT tiếp tục được tăng cường.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT phù hợp tình hình thực tế, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động nắm bắt, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu kiềm chế và giảm thiểu TNGT từ 5% trở lên so với năm 2024.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa; đưa chỉ tiêu về TTATGT vào công tác thi đua, khen thưởng. Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung vào các tuyến đường trọng điểm, liên kết vùng để giảm tải cho các tuyến đường huyết mạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời bảo đảm TTATGT. Kiểm tra, rà soát ATGT trên tất cả các tuyến đường, xử lý kịp thời vị trí điểm đen, tiềm ẩn mất ATGT. Làm đường gom, sơn, lắp đặt gờ giảm tốc ở các đường đấu nối vào quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao cắt; sửa chữa, bổ sung, thay thế hệ thống ATGT theo quy chuẩn, hạn chế mức thấp nhất nguyên nhân TNGT do lỗi của kết cấu hạ tầng giao thông. Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn trên các phương tiện vận tải hành khách. Tăng cường quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe, lái tàu tuân thủ pháp luật về TTATGT, quy định trong kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy. Siết chặt quản lý, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về vận tải, đặc biệt trong dịp Tết, lễ hội, kỳ nghỉ lễ.

Lực lượng Công an tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm, nguy cơ xảy ra TNGT. Công an xã, phường, thị trấn phối hợp lực lượng an ninh cơ sở, chi bộ đảng, tổ dân phố rà soát, lập danh sách, quản lý các đối tượng có nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông để tuyên truyền, giáo dục, có biện pháp ngăn chặn, nhất là thanh thiếu niên.

Quý I, trên đường bộ, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 6.359 trường hợp, xử phạt 5.279 trường hợp với số tiền 14,9 tỷ đồng, tạm giữ 3.570 phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe 472 trường hợp. Trên tuyến đường thủy nội địa phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm, xử phạt 39 triệu đồng.

Theo nhận định của Ban ATGT tỉnh, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp. Vẫn thường trực nguy cơ TNGT khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, nhất là tình trạng thanh thiếu niên vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không có tín hiệu... Do đặc thù địa hình tỉnh miền núi nhiều đèo dốc cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT...

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban ATGT tỉnh cho biết: Để tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT. Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; bổ sung, lắp đặt hệ thống biển báo, camera giám sát tại các vị trí xung yếu, khuất tầm nhìn, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông.

Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe tuân thủ pháp luật về TTATGT, các quy định trong kinh doanh vận tải; thực hiện nghiêm việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe theo quy định. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề hành vi có nguy cơ gây TNGT; phát hiện, xử lý kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông. Trang cấp đầy đủ phương tiện, thiết bị thực thi nhiệm vụ, nhất là công tác kiểm soát tải trọng và xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/201373/chu-dong,-quyet-liet-keo-giam-tai-nan-giao-thong-ca-3-tieu-chi.htm
Zalo