Chủ động phương án phòng tránh trong mùa mưa bão
Giống như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, nuôi trồng thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Để tránh thiệt hại, việc chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, đặc biệt trong mùa mưa bão là rất cần thiết.
Hạn chế thiệt hại
Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do mưa bão mấy năm trước, từ khoảng tháng 7-8 âm lịch, người nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh lại tất bật triển khai phương án phòng tránh nhằm bảo vệ vật nuôi trên biển. Bà con nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đã chủ động vớt tôm bán bớt trước mùa vụ. Nhiều người dân chia sẻ, biết là bán sớm giá cả sẽ bị ép xuống, nhưng khi mưa bão ập vào còn thiệt hại nặng hơn.
Hiện nay, đa số lồng bè nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu chủ yếu làm bằng vật liệu truyền thống như gỗ, tre, phuy nhựa… chưa thích ứng với sóng to, gió lớn khi xảy ra mưa bão. Ông Đỗ Thanh Phước ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) cho biết: Từ cuối tháng 8 âm lịch, gia đình tôi đã thu hoạch sớm số tôm hùm nuôi đạt kích cỡ để bán bớt.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, số lượng tôm xuất bán trên địa bàn khá nhiều và các thương lái chỉ thu mua tôm hùm xanh kích cỡ khoảng 0,3kg/con với giá khoảng 700.000-780.000 đồng/kg, còn loại lớn hơn 0,3kg/con có giá dưới 700.000 đồng/kg. Biết là thương lái ép giá, nhưng bà con vẫn phải xuất bán nhằm giảm thất thoát, thiệt hại do mưa bão gây ra.
Với hơn 30 năm nuôi tôm hùm, ông Nguyễn Văn Trung ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để ứng phó trong mùa mưa bão. Theo ông Trung, hiện gia đình ông nuôi 80 lồng tôm hùm. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, cách nay gần 2 tháng, gia đình ông Trung đã bán bớt số tôm lớn, chỉ để lại tôm nhỏ tiếp tục nuôi sang năm sau. “Tính mạng con người là trên hết, còn người thì còn của. Do vậy, chúng tôi tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của chính quyền địa phương, không ở lại trên bè nuôi khi bão vào”, ông Trung chia sẻ.
Xây dựng phương án ứng phó
Trên địa bàn TX Sông Cầu có khoảng 129.300 lồng nuôi tôm hùm thịt và khoảng 17.700 lồng ương tôm hùm giống. Ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão lũ, thiên tai và triển khai đến các xã, phường.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến mưa bão, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tuyệt đối không cho người dân ở lại các đầm, vịnh và trên các chòi canh khi xảy ra bão, không chủ quan với những bất thường của thiên tai, nhất là khi áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng
Những năm gần đây, người dân đã chủ động hơn trong mùa mưa bão, chủ động kiểm tra, gia cố lồng bè kỹ hơn, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết. Một số hộ dân đầu tư chuyển đổi lồng nuôi bằng vật liệu mới có sức chống chịu tốt hơn với bão, áp thấp nhiệt đới. Từ đó thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới giảm hơn trước.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: UBND thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết (mưa lớn, bão, lũ lụt…) để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, không để bị động. Đồng thời thường xuyên theo dõi, thông báo thông tin quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
“Các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động giải tỏa, di dời lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi luồng lạch ra vào các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Địa phương cũng hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thu hoạch đúng mùa vụ và trước mùa mưa bão nếu thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi xảy ra bão lũ. Tuyệt đối không cho người ở lại trên bè, các chòi canh khi bão”, ông Lâm Duy Dũng nói.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của mưa bão, các địa phương cần hướng dẫn, cảnh báo cho người dân tổ chức thu hoạch trước mùa mưa bão nếu thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa bão xảy ra.
Thường xuyên theo dõi thời tiết và các thông tin dự báo để chủ động ứng phó, khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp và phương án xử lý kịp thời để tránh các thiệt hại không đáng có.
Đồng thời kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng. Trường hợp không di chuyển lồng bè được cần che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài…