Đổi mới tư duy, phương thức lập pháp, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế cho phát triển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thực tiễn phát triển của đất nước hiện đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế sáng 1.12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 được tiến hành ngay sau thành công của Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, đánh dấu mốc quan trọng với chủ trương mở ra cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ đạo những định hướng nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong đó đề cập đến việc chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài, khơi thông nguồn lực trong dân…

"Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 6, khóa 13 xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững… Kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Quốc hội đã đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp.

Theo đó, các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ khỏi dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới như: thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương...

Đặc biệt, Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

"Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức đề mở ra cơ hội lớn cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực tiễn phát triển của đất nước hiện đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước… tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ, tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức…

Tiếp tục thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lãng phí của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó xác định 4 giải pháp trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (với tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật); hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doi-moi-tu-duy-phuong-thuc-lap-phap-thao-go-diem-nghen-ve-the-che-cho-phat-trien-226611.html
Zalo