Chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em
Tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguy cơ phổ biến, rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Với tính cách hiếu động, thích khám phá nhưng còn hạn chế về kỹ năng phòng, tránh, trẻ em rất dễ gặp phải những tình huống nguy hiểm nếu thiếu sự quan tâm, giám sát và trang bị kỹ năng từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Để kỳ nghỉ hè của các em bổ ích, an toàn, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường cùng phụ huynh chủ động trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng tránh các rủi ro tai nạn có thể xảy ra.

Trẻ em học bơi tại Cung thể thao Nam Định.
Vào mỗi dịp hè lại có những trường hợp đuối nước thương tâm của trẻ em xảy ra. Nguyên nhân một phần do sự thiếu hiểu biết các kỹ năng phòng, chống đuối nước, nhiều em chưa biết bơi, thiếu các điểm bơi an toàn, thiếu sự quản lý của gia đình. Ngoài các biện pháp phòng, chống đuối nước như mặc áo phao khi đi đò, thuyền, không cho trẻ em chơi đùa gần ao, hồ, sông, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước thì giải pháp tối ưu nhất là dạy cho các em biết bơi đúng kỹ thuật và trang bị kỹ năng xử lý tình huống đuối nước cho trẻ. Xác định việc dạy bơi cho học sinh rất quan trọng, không chỉ giúp trẻ có kỹ năng phòng tránh rủi ro trên sông nước mà còn giúp các em phát triển thể lực, những năm qua, bước vào dịp nghỉ hè, Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu) đều tổ chức học bơi cho học sinh ngay tại bể bơi của trường, bảo đảm an toàn, hiệu quả; trang bị cho học sinh những kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng phòng, chống đuối nước để học sinh phát triển toàn diện. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các giáo xứ, hội ca đoàn để tổ chức các lớp học đàn cho học sinh, giúp các em có cơ hội tiếp cận với âm nhạc và phát triển năng khiếu âm nhạc. Đồng thời các chi Đoàn, Đội Thiếu niên Tiền phong nhà trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên xã để tổ chức các hoạt động hè bổ ích cho học sinh như: giáo dục về kỹ năng tham gia an toàn giao thông và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, chương trình phổ cập bơi…
Không chỉ các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục mầm non cũng đặc biệt chú trọng đến công tác phòng chống TNTT cho trẻ. Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) có trên 600 học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trình độ, giàu kinh nghiệm, sáng tạo, đoàn kết, tâm huyết với nghề đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhà trường thường xuyên cải tạo các phòng chức năng, phòng học có thiết bị nhóm lớp, hệ thống điện thắp sáng, quạt, điều hòa sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát, có công trình vệ sinh khép kín; đồ dùng cá nhân và các trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Nhà trường còn tổ chức các buổi tuyên truyền về đảm bảo an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ. Đồng thời, bằng nhiều hình thức như: Xây dựng góc tuyên truyền tại các lớp, thông qua các buổi họp phụ huynh, các hội thi, ngày lễ hội có nội dung liên quan, nhà trường đã triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống TNTT vào trong chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng kiến thức về nội dung phòng, chống TNTT, sơ cứu và xử lý tình huống khẩn cấp. Nhà trường xây dựng tủ thuốc và một số thiết bị, dụng cụ cấp cứu theo quy định để sẵn sàng xử lý các tình huống khi có sự cố xảy ra; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở vật chất, kiên quyết loại bỏ những đồ dùng, đồ chơi không đảm bảo chất lượng, không an toàn với trẻ và giáo viên…
Với mục tiêu để trẻ em được phát triển toàn diện và hưởng đầy đủ các quyền lợi chính đáng, được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh, nhiều năm qua, trong Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh luôn xác định vai trò, ý nghĩa của phòng ngừa TNTT cho trẻ em. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tăng cường quản lý, giáo dục kỹ năng sống và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNTT cho trẻ em, góp phần giảm thiểu các nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Nhiều hoạt động phòng, chống TNTT đã được triển khai như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, gắn tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em với đánh giá chất lượng thực hiện chương trình nông thôn mới, đô thị văn minh. Để giảm thiểu nguy cơ TNTT, nhất là trong thời điểm nghỉ hè kéo dài, công tác phổ biến các kiến thức, giáo dục các kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ, nhất là các loại tai nạn gây tử vong nhiều ở trẻ em như tai nạn giao thông, đuối nước cần được tăng cường. Các địa phương cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em ở gia đình, cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ.
Các cấp, các ngành và hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã có các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống TNTT cho trẻ, dạy bơi, tập huấn Luật Giao thông đường bộ. Việc tăng cường kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ em cũng được quan tâm qua các lớp dạy bơi, cứu đuối, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn. Tại nhiều địa phương đã quan tâm tạo điều kiện và ưu tiên quỹ đất để xây dựng các bể bơi để các em có cơ hội được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, các trường học cũng thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và các em học sinh trong việc phòng chống TNTT nhất là phòng chống đuối nước ở trẻ em. Xây dựng các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn kỹ năng bơi cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và gia đình tổ chức bàn giao, quản lý các em học sinh trong dịp hè. Các địa phương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, khuyến khích người dân tập luyện môn bơi, tạo sân chơi cho trẻ em, khích lệ các em rèn luyện thể dục, thể thao, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhất là trong dịp hè. Đối với các ao hồ, kênh mương tiến hành lắp đặt biển báo nguy hiểm, làm rào chắn tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Các gia đình tăng cường quản lý trẻ em, hướng dẫn con em không được vui chơi tại những nơi có ao hồ nguy hiểm, không tự ý đi bơi khi không có người lớn đi kèm.
Bảo vệ trẻ em khỏi TNTT không chỉ là trách nhiệm của riêng gia đình hay nhà trường mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng môi trường sống an toàn chính là cách thiết thực nhất để mang đến cho trẻ một mùa hè bổ ích, khỏe mạnh và an toàn.