Chủ động phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
Sáng 16/5, UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Lễ phát động 'Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025'.
Dự lễ phát động có ông Nguyễn Minh Luân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và đông đảo người lao động trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: “Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi để xây dựng môi trường làm việc bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với chủ đề năm 2025 là “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc – Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, tỉnh kêu gọi các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người lao động đồng lòng vào cuộc, đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân kêu gọi các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người lao động đồng lòng vào cuộc, đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Năm 2024, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 48.850 lao động (vượt 21,2 % kế hoạch), trong đó có 602 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, đào tạo và bồi dưỡng nghề cho gần 30.000 người, đạt 107,1% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58 %, trong đó có 26,5 % có văn bằng, chứng chỉ. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực triển khai các đề án chiến lược như: Đề án đào tạo nguồn nhân lực đi nước ngoài, Đề án đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045… tạo nền tảng vững chắc cho công tác phát triển nhân lực chất lượng cao.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình tai nạn lao động vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 12,1% so với năm 2023, làm 727 người chết và 1.690 người bị thương nặng. Tại Cà Mau, ghi nhận 7 vụ tai nạn lao động, trong đó có 3 vụ tai nạn chết người. Tuy giảm 3 vụ so với cùng kỳ, nhưng những con số này vẫn là lời cảnh báo mạnh mẽ về tính cấp thiết của việc chủ động phòng ngừa rủi ro tại nơi làm việc.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thay đổi cách tiếp cận về an toàn lao động. Nhiều cơ sở đã thành lập Ban An toàn vệ sinh lao động, ban hành quy trình làm việc an toàn, đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro. Phong trào xây dựng nơi làm việc “xanh - sạch - đẹp”, thân thiện môi trường cũng đang lan tỏa rộng khắp. Một số sáng kiến kỹ thuật giúp cải thiện điều kiện làm việc, giảm tiếp xúc độc hại, nâng cao sức khỏe người lao động được ghi nhận và nhân rộng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân trao nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên công đoàn khó khăn về nhà ở.
Ông Nguyễn Minh Luân đề nghị, các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, chú trọng giám sát, quản lý nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bà Lưu Thị Trúc Ly, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động.
Dịp này, 24 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà Mái ấm công đoàn (mỗi căn nhà cất mới được hỗ trợ 50 triệu đồng và sửa chữa được hỗ trợ 25 triệu đồng), tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, tại lễ phát động, có 257 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà, mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng.