Chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi

Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có khả năng xảy ra, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang tăng cường triển khai các biện pháp chặt chẽ, không chủ quan, lơ là...

Trang trại anh Hoàng Công Tấn

Trang trại anh Hoàng Công Tấn

An toàn từ cơ sở chăn nuôi

Trang trại chăn nuôi của anh Hoàng Công Tấn ở phường Phong Hiền, TX. Phong Điền có diện tích hơn 4,5ha, được quy hoạch nhiều dãy chuồng đạt tiêu chuẩn quy mô lớn. Từ năm 2019 đến nay, trang trại thường xuyên duy trì số lượng 200 - 300 con bò hậu bị/năm và 200 - 300 con bò thịt/năm.

Anh Tấn cho biết, mỗi năm trang trại xuất 1.200 - 1.300 con bò giống, hàng trăm con bò thịt với mỗi con hơn 2tạ. Doanh thu từ chăn nuôi gia súc của trang trại mỗi năm đạt trên 17 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi ròng 500 - 600 triệu đồng. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro, hàng năm trang trại tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng cho vật nuôi các loại vắc-xin tụ huyết trùng, viêm da nở cục, lở mồm long móng…, với tổng chi phí gần 150 triệu đồng/năm.

“Mỗi lần nhập bò giống, dù con giống đã được đơn vị cung cấp tiêm phòng trước đó, nhưng trang trại vẫn hợp đồng tiêm phòng vắc-xin các loại dịch bệnh ngay từ đầu vào, đảm bảo theo đúng quy định của địa phương và ngành chức năng”, anh Tấn chia sẻ.

Hiện nay, trên địa bàn toàn thành phố ước tính tổng đàn lợn khoảng 160.000 con, đàn trâu 15.300 con, đàn bò hơn 31.000 con, đàn gia cầm 5,1 triệu con. Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh là điểm đáng ghi nhận trong lĩnh vực chăn nuôi của địa phương. Năm 2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) tổ chức tiêm phòng được 30.576 liều tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 96%, tăng 13% so với năm trước; vắc-xin tam liên lợn 79.626 liều, đạt 86%; 12.820 liều E.coli, đạt 76%; 848.210 liều cúm gia cầm… Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường được triển khai kịp thời, với hơn 14.000 lít hóa chất, 10.700kg vôi bột để xử lý tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh.

Việc tăng cường biện pháp phòng ngừa, xử lý của ngành thú y thành phố đã góp phần hạn chế không để phát sinh dịch bệnh. Từ năm 2024 đến nay, trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng... diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, thì Huế đã không xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, ngoài thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin, các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh và triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh, đơn vị còn duy trì công tác chốt chặn 24/24h tại 2 chốt kiểm dịch và thực hiện tiêu độc khử trùng gần 11 ngàn lượt phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Nhờ đó, trong năm qua đã chủ động phòng, chống triệt để các loại dịch bệnh có khả năng xảy ra.

Phối hợp đồng bộ

Trong năm 2024, hầu hết các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đều xảy ra ở một số tỉnh, thành khác trong cả nước, kết quả giám sát chủ động cho thấy, hiện nay các loại mầm bệnh còn lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ tương đối cao. Do đó, việc vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật gia tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các lễ hội sau tết Nguyên đán năm nay có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra, ngành thú y phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo chân đoàn công tác của ngành thú y đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, mới thấy sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị và địa phương trong kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng

vắc-xin. Ngành chức năng chủ động giám sát chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi, bảo đảm phát hiện sớm dịch bệnh, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để theo kịch bản phù hợp với từng phạm vi, mức độ, không để dịch bệnh lây lan diện rộng khi có tình huống xảy ra.

Tại cơ sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi để tiêm phòng các loại vắc-xin vụ xuân 2025; triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Đồng thời, báo cáo đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn, bản đến cấp xã, huyện và thành phố; hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và tăng cường năng lực cho nhân viên thú y cấp xã để tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho động vật tại cơ sở, nhất là tại các địa phương có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm phòng thấp…

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chu-dong-phong-dich-cho-dan-vat-nuoi-151057.html
Zalo