Vụ bị xe máy tông tử vong khi cứu người gặp nạn: Cách nào đảm bảo an toàn?

Thấy người bị tai nạn cầu cứu, người phụ nữ không ngần ngại dừng xe đưa nạn nhân vào lề đường. Đáng tiếc, trong quá trình di chuyển cả hai bị một xe khác đâm vào dẫn đến tử vong.

Vụ tai nạn giao thông thương tâm và nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Điều đáng chú ý 1 trong số 2 nạn nhân lại là người đang cứu giúp người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông trước đó.

Theo thông tin ban đầu, lúc 2h55 ngày 23/2, anh T.A.B (SN 2000, thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) điều khiển xe máy đi trên cầu Thị Nại hướng từ Quy Nhơn về Nhơn Hải tự gây tai nạn, xe và người ngã ra đường.

Anh B. nằm trên đường ra dấu hiệu xin được giúp đỡ thì được bà N.T.Y.L (SN 1976, thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải) điều khiển xe máy chở chị ruột là bà N.T.H (SN 1970) dừng lại giúp đỡ. Hai người dìu anh B. ngồi dậy, đưa vào lề đường chờ xe cấp cứu.

Lúc này, N.N.H (SN 2003, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), điều khiển xe mô tô đi hướng Quy Nhơn - Phù Cát, tông vào người anh B. và bà H. Cú tông mạnh khiến anh B. tử vong tại chỗ, bà H. bị thương được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, bà H. đã tử vong sau đó, được gia đình đưa về nhà lúc 10h20 cùng ngày.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Phân tích tình huống pháp lý trong vụ việc, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với diễn biến sự việc như vậy rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người điều khiển xe mô tô đã đâm vào hai nạn nhân về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ Luật hình sự.

“Trường hợp xác định có lỗi thì người điều khiển xe mô tô trong tình huống này (H) sẽ bị xử lý hình sự theo Khoản 2, Điều 260, Bộ Luật hình sự tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với chế tài là phạt tù từ 3 - 10 năm. Tình tiết định khung hình phạt là làm chết hai người trở lên và có vi phạm về nồng độ cồn.

Trường hợp xác định có lỗi do điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ thì nam thanh niên này sẽ phải đối mặt với hình phạt tới 10 năm tù, ngoài ra phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Với hai người tử vong thì mức bồi thường sẽ rất lớn và hình phạt rất nghiêm khắc.

Đây là vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng do người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao gây ra. Vụ việc cho thấy tính chất nguy hiểm khi người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Khi có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở thì người điều khiển phương tiện thường bị hưng phấn, kích thích nên dễ đi quá tốc độ, khả năng quan sát và xử lý tình huống hạn chế dễ gây ra tai nạn giao thông”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Trao đổi thêm, ông Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông cho rằng vụ tai nạn giao thông này sẽ là bài học cho nhiều người khi thiếu ý thức chấp hành pháp luật, vi phạm về nồng độ cồn và điều khiển xe đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát.

Song song với việc xử lý nghiêm túc người vi phạm, qua vụ việc này cho thấy cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông.

Cứu người nhưng phải đảm bảo an toàn cho mình

Điều đáng chú ý trong vụ việc này là 1 trong 2 nạn nhân tử vong có bà H. là người chạy lại cứu giúp người gặp nạn.

“Việc làm của bà H. trong tình huống này phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Tuy nhiên rất không may là việc cứu giúp người không thành công, không những không cứu được nạn nhân mà bản thân còn bị thương tích nghiêm trọng đến mức tử vong”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, cứu giúp người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông là trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và cả nạn nhân.

Trong những tình huống như này thì việc cứu người cần được thực hiện thận trọng vì nạn nhân bị ngã ở giữa đường, trời tối, khả năng quan sát hạn chế.

Với những diễn biến như vậy thì những người cứu giúp cần phải có cảnh báo, báo hiệu cho những người tham gia giao thông khác biết để họ chú ý quan sát, không gây ra tai nạn giao thông với nạn nhân và với những người cứu giúp.

“Người cứu không nên quá tập trung vào nạn nhân mà thiếu quan sát xung quanh. Trong vụ việc này các nạn nhân thiếu may mắn vì người điều khiển xe mô tô đi với tốc độ cao và vi phạm nồng độ cồn. Nếu những người cứu giúp có cảnh báo và người tham gia giao thông làm chủ tốc độ, chú ý quan sát thì hậu quả nghiêm trọng đã không xảy ra. Đây là điều rất đáng tiếc”, Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-bi-xe-may-tong-tu-vong-khi-cuu-nguoi-tai-nan-cach-nao-dam-bao-an-toan-2374562.html
Zalo