Chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên người
Cục Phòng bệnh- Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

Người dân phun khử trùng phòng dịch cúm gia cầm tại xã Khang Ninh (Ba Bể)
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên thế giới, từ ngày 24/3/2025 đến nay, Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận trường hợp thứ ba nhiễm cúm gia cầm A(H5N1) và cả 03 trường hợp đều đã tử vong.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y và Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương cả nước. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 06 ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) tại 4 tỉnh, thành phố gồm Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.
Để chủ động phòng, chống cúm A(H5N1), hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn đã có công văn gửi các đơn vị y tế trong tỉnh, đề nghị thường xuyên cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm, cách ly, áp dụng các biện pháp dự phòng, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.
Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc cập nhật thông tin các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người; tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khai thác tiền sử dịch tễ, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng lây truyền cúm gia cầm từ động vật sang người, đặc biệt tại các địa bàn có động vật, gia cầm ốm, chết và tại các khu vực có nguy cơ cao. Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối gửi báo cáo cập nhật thường xuyên về Cục Phòng bệnh Bộ Y tế./.
Biểu hiện của người bệnh nhiễm cúm A (H5N1)
Các dấu hiệu sớm ở người nhiễm cúm A(H5N1) thường bắt đầu trong vòng 2 – 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm, bao gồm: Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); đau ngực; khó thở; kèm theo các biểu hiện khác như đau họng; ho khan; đau đầu; đau nhức cơ; Mệt mỏi rã rời… Bệnh cúm A(H5N1) diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm
bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm
không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng
mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.