Chủ động nâng cao năng lực hành động sớm, ứng phó hiệu quả với thiên tai
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2024, hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến giữa năm. Tình trạng thiếu nước, hạn hán diễn ra nhiều hơn trong nửa năm đầu, còn cuối năm, mưa bão sẽ nhiều hơn. Do đó, việc hành động sớm, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với thiên tai là cần thiết và phải được ưu tiên hàng đầu.
Thiên tai cực đoan và bất thường
Trong vài năm gần đây, hiện tượng thiên tai cực đoan xảy ra trên các vùng miền ở nước ta, loại hình thiên tai cũng nhiều lên. Năm 2023, nước ta xảy ra 1.145 trận thiên tai ở 21/22 loại hình, đặc biệt, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Năm 2023 là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.
Năm 2024 cũng được nhận định thiên tai sẽ tiếp tục có xu hướng cực đoan. Ngay trong tháng 1 đã xảy ra trận mưa đá bất thường tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ông Phùng Lòng Kà, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: “Khoảng 7 giờ sáng ngày 17/1, trên địa bàn xã xảy ra một trận mưa đá cục bộ kéo dài trong khoảng 15 phút. Mưa đá xảy ra trên địa bàn 3 bản Thu Lũm, Thu Lũm 2 và Gò Khà. Các hạt đá có kích cỡ to bằng đầu ngón tay, rơi dày”.
Theo ông Kà, mưa đá không gây hư hại công trình, nhà cửa, chủ yếu gây thiệt hại hoa màu của người dân trên diện tích khoảng 1,5ha. “Tuy nhiên, đây là trận mưa đá bất thường vì trong nhiều năm qua, xã Thu Lũm chưa từng ghi nhận mưa đá xảy ra vào thời điểm này. Nếu có mưa đá thì thường rơi vào tháng 4 hoặc 5” - ông Kà cho hay.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, tình hình thiên tai năm 2024 diễn biến phức tạp, có xu hướng cực đoan. Theo đó, đầu năm 2024, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì. Số ngày rét đậm, rét hại ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh trong tháng 1 - 2/2024 gây rét hại trên diện rộng và băng giá, sương muối ở khu vực miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; lốc, sét, mưa đá xảy ra trong các đợt gió mùa Đông Bắc. Từ đầu năm đến tháng 5/2024, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy, tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt năm 2024 trên cả nước có khả năng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhất là tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày, từng giờ, thay vì khái niệm “nóng lên toàn cầu" thành "nung nóng toàn cầu". Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo, năm 2024 tiếp tục là năm nóng, nhưng không bằng năm 2023.
Theo ông Cường, trong năm 2024, hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến giữa năm. Sau đó chuyển sang pha trung tính và chuyển sang La Nina trong nửa cuối năm. Nửa đầu năm, nắng nóng, thiếu nước, hạn hán có thể xảy ra ở Bắc Bộ, đặc biệt ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Các khu vực này có nguy cơ thiếu nước ngọt, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất. Từ giữa năm đến cuối năm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn.
Cần có phương án phòng ngừa thiên tai cực đoan
Ông Nguyễn Đức Cường nhận định, nửa cuối năm 2024 sẽ mưa nhiều, mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, tập trung nhiều bão ở Biển Đông. Hoạt động phòng chống bão sẽ nhanh và gấp hơn. Từ nhận định đó, ông Cường cho rằng, cần tập trung truyền thông hướng dẫn các địa phương kiểm tra phòng ngừa hiện tượng thiên tai cực đoan như dông, lốc, gió mạnh trên biển, gây thiệt hại tàu thuyền của người dân. Đồng thời cũng cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra phương án ứng phó của các bộ, ngành, địa phương đối với mưa lớn cục bộ có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt đô thị.
Xác định nhận thức của cộng đồng có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho rằng, Cục Quản lý đê điều và PCTT cần tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng; tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực PCTT cho các cấp chính quyền, cộng đồng...
Để thực hiện tốt công tác PCTT, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và PCTT tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể PCTT quốc gia. Cục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể, xây dựng Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng nội dung kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý đê điều và PCTT cần tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; báo cáo, tổng hợp số liệu và đề xuất biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đúng mục đích, đối tượng và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng, chống sạt lở; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác PCTT...
Năm 2023, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiên tai cũng làm 926 nhà sập đổ, 15.001 nhà hư hỏng, tốc mái; gần 152.000ha lúa, hoa màu, hơn 20.700ha cây trồng khác bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.400 con gia súc, hơn 82.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4.000ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè bị thiệt hại; 204km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 2,41 triệu m3 đất, đá, bê tông; 175 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).