Chủ động không để thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết

Khẳng định tại hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước mắt phải chủ động từ sớm, từ xa đảm bảo trước, trong và sau Tết không thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi.

Chăn nuôi lợn chuyển dịch mạnh sang mô hình trang trại quy mô lớn

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Phạm Kim Đăng, trước đây chăn nuôi lợn ở nước ta chủ yếu là chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi heo đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Theo đó, dẫn đầu là Trung Quốc (48%), thứ hai là EU (20%), xếp thứ ba là Mỹ (11%), Brazil (4%), Nga (4%), Việt Nam (3%). Chăn nuôi lợn thời gian qua tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so cùng thời điểm năm 2023. Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây là: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai...

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trình bày báo cáo tại hội nghị.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trình bày báo cáo tại hội nghị.

Ngành chăn nuôi lợn đã dịch chuyển mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Cụ thể, 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%. “Cơ cấu nguồn cung thịt heo năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 43%”, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết.

Mặc dù vậy, Cục Chăn nuôi cũng khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Trường hợp nếu muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch.

Thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI

Phát biểu về tình hình dịch bệnh trên gia súc, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú Y cho biết, 6 tháng đầu năm, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (lợn tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023). Ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động, dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới sẽ tác động đến ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu muốn phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Minh, chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến nguy cơ thường trực tái bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Hiện nay, cả nước có 306 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở 100 huyện của 29 tỉnh, TP chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 34.304 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.416 con. So cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 3,02 lần và số lợn bị chết, tiêu hủy tăng 3,87 lần.

Đại diện Cục Thú y nhận định, thực tế dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng rộng rãi cho đàn lợn thịt; một số địa phương còn chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.

Sau khi nghe các báo cáo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thịt lợn chiếm 65% chỉ số CPI (chỉ số đo lường mức độ thay đổi trung bình của giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo thời gian), giá thịt lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau thời gian bị thua lỗ. Từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu bảo đảm nguồn cung thực phẩm và người chăn nuôi có lãi. Trước mắt, phải chủ động từ sớm, từ xa đảm bảo trước, trong và sau Tết không thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Đảm bảo được nguồn cung sẽ ổn định được thị trường, bình ổn về chỉ số giá tiêu dùng CPI. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và người chăn nuôi.

“Dịp trước, trong và sau Tết ngành chăn nuôi phải ổn định giá thực phẩm, đặc biệt thịt lợn đảm bảo tốc độ tăng trưởng phát triển bền vững. Ngành đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phải chủ động “từ sớm, từ xa” nguồn cung, đảm bảo nguồn cung phải tăng 10% - 15% dịp trước, trong và sau Tết”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, các địa phương cần khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi. Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo, dự báo năng lực sản xuất, cung - cầu... từ đó giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi; xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm…

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/chu-dong-khong-de-thieu-hut-nguon-cung-thit-lon-trong-dip-tet-i740507/
Zalo