Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đặt ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Chương trình "Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028" nhằm tạo bước đột phá trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể.
Mục tiêu chương trình để nâng cao số lượng và chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của cán bộ công đoàn các cấp; đầu tư đủ nguồn lực để thực hiện công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Qua đó, góp phần tạo việc làm bền vững, cải thiện tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt chỉ tiêu mỗi năm có 100% công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực Nhà nước và ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.
Phấn đấu 100% LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn...
Đến năm 2028, Tổng LĐLĐ đặt chỉ tiêu 100% công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn ít nhất 2 cuộc; có ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Thỏa ước lao động tập thể bao phủ ít nhất 85% tổng số người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn trong toàn hệ thống.
Mỗi LĐLĐ tỉnh, TP, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có từ 80.000 đoàn viên trở lên ký kết ít nhất 1 bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia (nhóm doanh nghiệp)...
Một số nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để đạt được các mục tiêu này như: nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng chủ trương của Đảng, tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đoàn viên, người lao động, tổ chức công đoàn; nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và các đối tác về vai trò, tầm quan trọng của đối thoại, thương lượng tập thể.
Thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu công tác đối thoại, hướng tới giải quyết các vấn đề được nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm, các vấn đề cốt lõi của tổ chức công đoàn. Tổ chức thương lượng tập thể nhiều cấp độ, với nhiều đối tác; mở rộng độ bao phủ; nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể...