Chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi

Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang không ngừng chủ động đổi mới trên nhiều phương diện: Từ thể chế, công nghệ đến tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động...

Là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần củng cố niềm tin công chúng và ổn định hệ thống tổ chức tín dụng.ăng

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ BẢO VỆ NGƯỜI GỬI TIỀN

Chính sách BHTG không chỉ phát huy vai trò khi tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả mà còn gián tiếp bảo vệ người gửi tiền, góp phần giữ gìn sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như kiểm tra, giám sát.

Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang thực hiện giám sát thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Các TCTD có tiềm ẩn rủi ro được theo dõi chặt chẽ. Dữ liệu thu thập được thông qua công tác giám sát đồng thời được sử dụng như thông tin đầu vào phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ để đảm bảo các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ quy định của pháp luật về BHTG. Các vấn đề, sai sót của tổ chức tham gia BHTG được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cảnh báo, chấn chỉnh, đồng thời tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để ghi nhận tình hình và phối hợp xử lý.

Riêng đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chuyên sâu. Giai đoạn 2019–2024, đã có 234 QTDND được kiểm tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với số lượng tăng dần qua từng năm. Dự kiến trong năm 2025, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ kiểm tra chuyên sâu 120 QTDND.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng thông qua việc cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, đảm nhiệm vai trò quản trị, điều hành tại các QTDND yếu kém. Nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt và TCTD hỗ trợ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực tài chính, nghiên cứu quy trình triển khai về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu đặc biệt. Theo Luật Các TCTD năm 2024, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn tham gia đánh giá tính khả thi phương án cơ cấu lại; tham gia quá trình xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Tính đến hết tháng 4/2025, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ hơn 9,5 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của 130 triệu lượt người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia BHTG.

ĐỔI MỚI ĐỒNG BỘ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRỤ CỘT

Trước yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa tinh thần đổi mới thành những hành động thiết thực, có chiều sâu và đồng bộ nhằm phát triển tổ chức một cách bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, củng cố vai trò trong mạng an toàn tài chính quốc gia.

Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi theo đúng tiến độ. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi không chỉ mang tính cấp thiết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách BHTG mà còn là bước đi chiến lược có ý nghĩa lâu dài, góp phần hoàn thiện thể chế và tăng cường hiệu quả bảo vệ người gửi tiền.

Nội dung sửa đổi Luật BHTG tập trung vào các chính sách lớn như: (1) Phí BHTG; (2) Hoàn thiện cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả, năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; (3) Quyền, nghĩa vụ của tổ chức BHTG; (4) Hoàn thiện quy định pháp luật để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém tại Việt Nam; và (5) Hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.

Hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã triển khai các nền tảng như e-office, e-learning và đang tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Về tổ chức bộ máy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng báo cáo về mô hình tổ chức bộ máy giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phân tích điểm mạnh, điểm yếu, triển vọng và khó khăn trong giai đoạn sắp tới, từ đó xây dựng đề xuất hoàn thiện cơ cấu tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực nhằm gia tăng hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức theo định hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Trên bình diện quốc tế, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, tập trung vào các nội dung then chốt như: Tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức khu vực và toàn cầu, điển hình là Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) và Diễn đàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC).

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực BHTG, đặc biệt trong bối cảnh IADI đang thúc đẩy việc chuẩn hóa khung đánh giá tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi nhằm nâng cao năng lực thể chế, quản trị rủi ro và khả năng thích ứng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và phức tạp.

Một điểm đáng chú ý nữa là việc đổi mới lề lối làm việc và tác phong hành động. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang tiến hành đổi mới công tác tổ chức hoạt động, đảm bảo việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; mỗi cá nhân rèn luyện ý thức tuân thủ quy định, quy chế, kỷ luật, văn hóa công sở. Nhờ đó, lề lối làm việc mới không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý mà còn tạo ra bước chuyển biến trong văn hóa tổ chức, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Lan Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-dong-doi-moi-de-nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-chinh-sach-bao-hiem-tien-gui.htm
Zalo