Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, bão lũ năm 2025

Quyết tâm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, các sở, ngành và các địa phương đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thành phố Nam Định diễn tập xử lý tình huống chống tràn trên tuyến đê sông Hồng.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thành phố Nam Định diễn tập xử lý tình huống chống tràn trên tuyến đê sông Hồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và vận hành các phương án PCTT, bước vào mùa mưa bão năm 2025, huyện Trực Ninh đã tổ chức diễn tập công tác PCTT và TKCN tại thôn Hùng Tiến, xã Trực Thanh. Tình huống được giả định là cơn bão số 1 có gió mạnh cấp 16, cấp 17 sẽ đổ bộ vào đất liền với tâm bão là các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Do có sự chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” và làm tốt công tác tuyên truyền nên khi bão đổ bộ người dân trong vùng nguy hiểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai đều được sơ tán vào các khu vực nhà an toàn; các lực lượng xung kích sẵn sàng phương tiện, vật tư ứng phó, xử lý các sự cố một cách hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra…

Đồng chí Nguyễn Quang Thạo, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Thông qua buổi diễn tập thực địa, huyện đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc chủ động phòng tránh,
sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; sự chủ động phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị của huyện với các xã, thị trấn trong PCTT và TKCN trên địa bàn huyện. Đồng thời đánh giá công tác chỉ huy điều hành, khả năng huy động các lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” của địa phương, trên cơ sở đó bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, phương án sát thực tế, bảo đảm hiệu quả và đáp ứng với yêu cầu đặt ra trong công tác PCTT hiện nay.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 668km đê, trong đó có gần 89km đê biển, hơn 273km đê sông từ cấp I đến cấp III, trên 187km kè bảo vệ các tuyến đê sông, đê biển, dưới đê có 247 cống. Hiện còn gần 37km đê còn thiếu cao trình so với thiết kế; hơn 60km mặt đê nhỏ, hẹp chưa bảo đảm mặt cắt thiết kế. Một số đoạn đê thường xuyên xuất hiện mạch đùn, thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt, mạch sủi, khi có lũ cần phải xử lý, nhất là trên đê hữu Đào. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện tại hơn 100km đê có tổ mối trong thân đê; gần 14km có diễn biến sạt, lở cần theo dõi, tu bổ, sửa chữa; 5 tuyến kè có diễn biến sạt, lở cần tu bổ, sửa chữa… Bên cạnh đó, công tác khai thác, vận hành một số công trình thủy lợi còn nhiều khó khăn do công trình xây dựng đã lâu bị xuống cấp, hư hỏng nặng, cống ngắn so với mặt cắt đê; một số cửa cống, kênh tưới tiêu bị bồi lắng gây khó khăn cho công tác PCTT. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xác định, mùa mưa bão năm nay trên hệ thống đê, kè của tỉnh có 25 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý…

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Định: Từ tháng 5 đến tháng 7/2025, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông (2-4 cơn) và ảnh hưởng đến nước ta ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tỉnh Nam Định có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Từ tháng 8 đến tháng 10/2025, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính; trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Tỉnh Nam Định có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Tại vùng biển của tỉnh chủ yếu duy trì gió Đông Nam, với độ cao sóng ven bờ từ 0,25-1m, ngoài khơi sóng cao 0,5-1,5m. Bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hoạt động mạnh vào thời kỳ này. Những ngày chịu ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới, vùng biển ven bờ của tỉnh có khả năng sóng cao từ 2-3m, ngoài khơi sóng cao từ 3-4m, biển động mạnh. Khi ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng tại vùng ven biển khoảng 0,3-0,5m. Cần đặc biệt đề phòng các cơn bão mạnh, nước dâng có khả năng đạt 0,5-1m, kết hợp triều cường, mực nước sông khả năng đạt mức báo động 2, báo động 3; nhất là đối với vùng cửa sông ven biển.

Trước diễn biến của thời tiết, thực trạng đê, kè, cống và tình hình thực tế, để thực hiện hiệu quả công tác PCTT và TKCN bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTT, kỹ năng, nhận thức về thiên tai, bão, lũ cho người dân, nhất là ở khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi gió bão, lũ, lụt. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai bảo đảm hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý các sự cố, nhất là sự cố đê, kè, cống; rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Sở Nông nghiệp và Môi trường đôn đốc các địa phương triển khai các phương án phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; chủ động chuẩn bị các phương án PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các huyện, thành phố đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Chi cục Thủy lợi, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện nghiêm các biện pháp PCTT, sẵn sàng tham gia TKCN và chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo đảm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Duy trì nghiêm chế độ thường trực, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố về đê điều trong mùa mưa bão. Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương đánh giá công tác PCTT theo “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh” theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 960/UBND-VP3 ngày 21/12/2022.

Là địa bàn trọng điểm và thường xuyên chịu tác động của các hình thái thời tiết cực đoan, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, thủy triều dâng cao, huyện Giao Thủy luôn sẵn sàng, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó. Đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Huyện xác định bảo đảm an toàn hệ thống đê biển là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mùa mưa bão năm nay, vì vậy đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện năm 2025 và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. UBND huyện ban hành kế hoạch về PCTT và TKCN năm 2025 theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Xây dựng các phương án hộ đê toàn tuyến, ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão theo tình hình thực tế của huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đê điều, PCTT cho nhân dân. Yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng tuần tra canh gác đê và diễn tập PCTT, huấn luyện nghiệp vụ ứng cứu, hộ đê, xử lý các sự cố đê, kè ngay từ giờ đầu cho lực lượng xung kích cơ sở. Đồng thời thường xuyên giám sát, theo dõi, phát hiện các diễn biến, tình trạng sạt, lở đê, kè để tổ chức lực lượng, phương tiện xử lý ngay khi vừa phát hiện, nỗ lực cao nhất bảo đảm an toàn các tuyến đê”.

Với tinh thần chủ động, các cấp, ngành và các địa phương tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2025 đảm bảo hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ đời sống, kinh tế và tính mạng người dân.

Bài và ảnh: Văn Đại,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/chu-dong-cac-phuong-anphong-chong-thien-tai-bao-lu-nam-2025-e655e4e/
Zalo