Chủ động bảo vệ cây trồng

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 12.000 ha lúa, trên 1.200 ha ngô và trên 12.600 ha rau các loại; chăm sóc trên 19.500 ha xoài, gần 13.500 ha mận, trên 23.300 ha cà phê, gần 19.800 ha nhãn, gần 5.700 ha chè...

Nhân dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn kiểm tra sâu bệnh trên cây trồng.

Nhân dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn kiểm tra sâu bệnh trên cây trồng.

Thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại trên nhiều loại cây trồng. Các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ bảo vệ cây trồng.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khoảng 80 ha lúa xuân tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh rầy lưng trắng, rầy nâu, mật độ gây hại phổ biến 200 con/m² và một số sâu bệnh gây hại khác, như: Ốc bươu vàng, ruồi đục nõn, nghẹt rễ...

Bên cạnh đó, trên 70 ha cà phê tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và Thành phố đã xuất hiện rệp vẩy nâu, vẩy xanh, thán thư, sâu đục thân... mật độ phổ biến 0,5 con/m²; gần 10 ha chè tại Thuận Châu, Mộc Châu, Vân Hồ đang bước vào giai đoạn thu hái bị nhiễm nhẹ bệnh dán cao chè, rầy xanh, nhện đỏ, bọ trĩ; trên 80 ha cây ăn quả bị rệp, thán thư, bọ trĩ, sâu đục thân, phấn trắng, rệp vẩy, rệp sáp, chùn ngọn, bệnh thán thư...

Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Chi cục đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đơn vị xây dựng các mô hình canh tác và phổ biến kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách); kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Khi sâu bệnh đạt ngưỡng cần phòng trừ, nông dân được khuyến khích ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, vi sinh và tuân thủ thời gian cách ly để đảm bảo an toàn.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân nhận biết sâu bệnh trên cây lúa.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân nhận biết sâu bệnh trên cây lúa.

Tại huyện Mai Sơn, qua điều tra, đã phát hiện gần 50 ha cây ăn quả, như xoài, nhãn, bưởi đã xuất hiện một số sâu bệnh thán thư, bọ xít nâu, phấn trắng, sâu đục thân, với mật độ trung bình 0,2-0,5%. Bà Lê Thị Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Trung tâm đã cử kỹ thuật viên thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô, mức độ của từng đối tượng sinh vật gây hại. Khuyến cáo nông dân nên thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan. Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm độ ẩm trong vườn. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép để không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Cùng với giám sát phòng, trừ sâu bệnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp xây dựng các mô hình quản lý dịch hại (IPM) trên đồng ruộng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 11 mô hình ứng dụng IPM trên cây ăn quả, cây có múi và rau bắp cải tại tất cả các huyện, thành phố. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho gần 400 lượt người nông dân.

Nông dân xã Chiềng Xôm, Thành phố, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân.

Nông dân xã Chiềng Xôm, Thành phố, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân.

Chị Nguyễn Thị Tú, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, một trong những hộ dân được hỗ trợ xây dựng mô hình IPM canh tác trên 2.000 m² cây nhãn, cho biết: Sau 3 năm tham gia mô hình IPM, được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn kỹ thuật vệ sinh vườn, xử lý ra hoa sớm, muộn, chăm bón, tỉa cành, tạo tán... tôi thấy sâu, bệnh xuất hiện ít hơn nhiều, giảm chi phí thuốc và công chăm sóc; quả nhãn to đều, màu tươi sáng; năng suất quả tăng từ 20-30% so với canh tác theo pháp truyền thống. Năm nay, tôi đã nhân rộng mô hình IPM lên hơn 1 ha.

Dự báo thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng xen kẽ với những đợt mưa rào, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển trên cây ăn quả. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chú trọng bổ sung dinh dưỡng để cây nuôi quả tốt hơn. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh và diễn biến thời tiết, kịp thời hướng dẫn cho bà con chủ động phòng trừ hiệu quả.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/chu-dong-bao-ve-cay-trong-G2EElrTNR.html
Zalo