Chốt cơ chế, chính sách đặc thù làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng được giao chủ đầu tư làm các dự án điện hạt nhân, áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn… là cơ chế đặc biệt để xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

 459/460 đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 19/2 tán thành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Department of Energy.

459/460 đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 19/2 tán thành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Department of Energy.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua sáng 19/2, với 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội) .

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cùng các dự án thành phần, một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện.

Theo đó, Quốc hội cho phép triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đồng thời với đàm phán ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án và cấp tín dụng, song song quá trình điều chỉnh và phê duyệt đầu tư.

Trong lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, Quốc hội quyết định trao Thủ tướng quyền giao chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Dự án cũng được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu "chìa khóa trao tay" chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn với các gói thầu quan trọng liên quan đến xây dựng nhà máy chính, tư vấn, mua nhiên liệu, bảo dưỡng và vận hành ban đầu.

Đề xuất được phép thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án (khảo sát lập nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, thực hiện dự án thành phần…) trong quá trình đàm phán hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng "chìa khóa trao tay" trước khi phê duyệt dự án đầu tư.

Để đảm bảo nguồn vốn, dự án sẽ huy động từ nhiều kênh, bao gồm vay Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, chủ đầu tư được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo đủ vốn đối ứng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Quochoi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Quochoi.

Chính phủ cũng sẽ bố trí ngân sách cho công tác di dân, tái định cư, xây dựng hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội tại khu vực dự án.

Ngoài ra, 4 cơ chế đặc thù khác cũng được đề xuất như cho phép các chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn.

Cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án...

Quốc hội đồng ý hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Ninh Thuận 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay, bội chi của tỉnh hàng năm sẽ do Quốc hội quyết định.

Trước đó, tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, chậm nhất tới ngày 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Với yêu cầu trên, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Trong đó, Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, còn Nhà máy Ninh Thuận 2 đạt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/chot-co-che-chinh-sach-dac-thu-lam-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post1532622.html
Zalo