'Chốt' chủ đầu tư, vị trí và tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chính thức giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Lựa chọn chủ đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận

Tại Phiên họp thứ 2, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân diễn ra vào sáng 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

 Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. (Ành: CP)

Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. (Ành: CP)

Đồng thời, Thủ tướng giao Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.

Vào giữa tháng 1/2025, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân việc xem xét, tiếp tục giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cùng với đó là việc cho phép EVN chỉ định tư vấn để rà soát, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, bao gồm cả đề xuất các cơ chế đặc thù thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Kiến nghị khác của Bộ Công Thương là báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký kết điều chỉnh Hiệp định, thỏa thuận với các quốc gia, đối tác thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Trước đó, tại Báo cáo triển khai kế hoạch năm 2025, EVN cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Vì sao chọn Ninh Thuận xây điện hạt nhân?

Trong quá khứ, vào năm 2009, dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và xác định vị trí xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, đều thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Vị trí này được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo ý kiến của các chuyên gia về điện, việc đặt vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân là nhiệm vụ phức tạp, mang tính tổng thể. Một trong những yêu cầu đặc biệt lưu ý, đó là phải dựa vào các yếu tố tự nhiên, như địa lý, địa chấn, khí hậu, thủy văn,... để chọn lựa.

 Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), gần khu vực xây dựng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Ảnh: Báo ĐT)

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), gần khu vực xây dựng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Ảnh: Báo ĐT)

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng phải xem xét như nguy hiểm do con người gây ra, như các cơ sở công nghiệp lớn, sân bay,...

Sở dĩ cần phải xem xét các yếu tố như vậy là do các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là vùng hoạt động lò phản ứng cần có độ vững chắc và ổn định cơ học cao, không nhạy cảm với những thay đổi cho phép của các thông số vận hành.

Vì vậy, nhà máy cần được xây dựng trên một nền móng chắc, không bị ảnh hưởng bởi động đất và việc hư hỏng của các cơ sở công nghiệp khác cũng như máy bay rơi. Với những đặc điểm như trên, Ninh Thuận là vị trí phù hợp để lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Theo Viện Vật lý địa cầu (IGP), ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ, cách bờ biển khoảng 150km có dải đứt gãy có thể gây ra động đất. Một vài năm gần đây, dải đứt gãy này gây ra một số trận động đất mạnh 4,7-5 độ richter.

Trong quá trình chuẩn bị dự án điện hạt nhân cách đây vài năm, IGP được mời tham gia vào việc khảo sát khu vực này. Việc khảo sát không dừng lại ở việc đánh giá nền đất, địa chất, đánh giá khả năng xảy ra động đất mà còn quan tâm cả tới khả năng bị ảnh hưởng bởi động đất từ các nơi khác lan đến.

IGP cũng đánh giá mọi rủi ro về động đất, sóng thần cũng như các tác động địa chất khác ở khu vực xây Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và thấy, cường độ động đất ở đây dù đạt cực đại ít gây hậu quả trong khoảng cách 100-200km nên không ảnh hưởng đến an toàn nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Đầu năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ, năm tăng tốc, bứt phá về đích để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ để tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân.

"Ninh Thuận vinh dự được Trung ương tiếp tục khởi động lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cán bộ, nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn đồng tình và sẵn sàng triển khai ngay các công việc của Trung ương được giao", Chủ tịch tỉnh Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chot-chu-dau-tu-vi-tri-va-tien-do-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post332948.html
Zalo