Chống lãng phí: Yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế

Chống lãng phí là một 'cuộc chiến' gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ngoài ra, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được kết quả tích cực, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tồn tại, hạn chế: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 còn chậm; vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn xảy ra; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng... Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân do một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong tình hình mới hiện nay về công tác chống lãng phí trong xây dựng thể chế, pháp luật. Theo đó, Tổng Bí thư nêu rõ:“…Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm… xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sinh thời: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.

Trong khuôn khổ thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 26/10, nói về vấn đề lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Vấn đề lãng phí là nhìn thấy được, nhưng khi người dân hỏi không trả lời được. Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế, hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc! Ai phải chịu trách nhiệm chứ!? Nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm. Tại sao không làm và nếu không làm phải thu lại. Nếu làm mà vướng, thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó, không thể để như vậy"...

"Hay hai bệnh viện tại Hà Nam, dân không có bệnh viện để khám chữa, Nhà nước bỏ tiền ra xây rồi, nhưng hàng chục năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nếu của tư nhân, họ đã thu hồi xong vốn, vốn đó được hoàn trả rồi. Nhưng Nhà nước vẫn để không thế, không ai chịu trách nhiệm à? Đó là lãng phí! Làm sao lại để được như vậy”- Tổng Bí thư Tô Lâm nêu.

Đồng thời, nhắc đến dự án chống ngập ở TP. Hồ Chí minh với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết đã qua 2 nhiệm kỳ, người dân địa phương vẫn chịu cảnh ngập lụt, trong khi tiền nhà nước bỏ ra. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, các dự án này nếu của tư nhân thì họ đã đưa vào hoạt động và hoàn thành việc thu hồi vốn. Nhiều dự án tại các địa phương giao cho doanh nghiệp triển khai nhưng do vướng mắc nên đang “đứng chờ nhau”. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải phối hợp các cấp, các ngành để tháo gỡ và triển khai ngay.

Các bộ ngành, địa phương quyết liệt chống lãng phí

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt, những thông điệp rõ ràng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí như một “hồi trống lệnh” đòi hỏi công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Mỗi ngành, mỗi địa phương, trong phạm vi quản lý của mình đều phải nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt. Hơn bao giờ hết, thông điệp này cần phải được triển khai quyết liệt nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký có Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Công điện nêu rõ: Trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước; nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên.

Đối với ngành Công Thương, Chỉ thị 11/CT-BCT được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ngày 8/11/2024 nhấn mạnh chỉ đạo các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực được phân công phụ trách cần tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thuộc bộ; các khu ký túc xá sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ. Đảm bảo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, trong chỉ thị nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý chi tiết về vấn đề xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền thì cần phải chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại. Với những nội dung vượt thẩm quyền, cần khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung, quy định vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời cần có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, thực hiện các quan điểm chỉ đạo nêu trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, pháp luật - điểm nghẽn của điểm nghẽn - trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/9/2024, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 156 văn bản gồm 5 Luật (Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, đề nghị xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả), 20 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 128 Thông tư. Đặc biệt trong năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành Công Thương đã được triển khai mức độ quyết liệt chưa có tiền lệ, với hàng loạt cơ chế, chính sách lớn, đột phá, mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự chung tay của toàn xã hội. Việc thực hiện tốt chủ trương này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Chúng ta cần có sự nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực để tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, từ đó tạo thành sức mạnh lớn lao cho sự phát triển của đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội; tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động về chống lãng phí; Công văn số 168-HD/BTGTW ngày 23/9/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực về sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách; Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 23/12/2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”.

Diễn đàn sẽ có hai phiên nội dung. Phiên 1: "Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Thông điệp của Tổng Bí thư về chống lãng phí". Phiên 2: "Ngành Công Thương chống lãng phí và tháo gỡ điểm nghẽn để đột phá trong kỷ nguyên mới", tập trung trao đổi, thảo luận về nhận diện lãng phí, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trong nước, quốc tế về công tác phòng chống lãng phí; đề xuất giải pháp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chong-lang-phi-yeu-cau-cap-bach-de-phat-trien-kinh-te-365609.html
Zalo