Chống lãng phí - cần hành động quyết liệt

Nước ta được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, người dân chưa giàu nhưng tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức, trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương... Lãng phí như những con đỉa ngày đêm hút máu 'cơ thể' đất nước, làm suy giảm nguồn lực, thất thoát tài nguyên, kìm hãm sự phát triển...

Đến các đô thị lớn, nơi mỗi tấc đất được ví như một “tấc vàng” nhưng không khó để chứng kiến cảnh nhiều biệt thự, nhà liền kề… ở những vị trí đắc địa bị bỏ hoang, bỏ không, trong khi rất nhiều người dân còn chưa có chỗ ở. Ở không ít địa phương trên cả nước, các “dự án treo” hàng chục năm cũng còn nhiều, khiến đất đai không được khai thác, sử dụng hiệu quả, cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực cũng bị “treo” theo dự án.

Hàng loạt căn hộ trong một khu đô thị tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chưa có người ở, cỏ dại mọc đầy. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hàng loạt căn hộ trong một khu đô thị tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chưa có người ở, cỏ dại mọc đầy. Ảnh: TRUNG HIẾU

Mấy năm qua, khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì xuất hiện tình trạng nhiều trụ sở cơ quan bị bỏ không do “dư thừa”, dẫn đến xuống cấp, hư hỏng. Người dân ở một số địa phương cũng rất bức xúc khi chứng kiến không ít bệnh viện được thi công ì ạch hoặc hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng vì nhiều lý do, trong khi đó các bệnh viện khác lại đang quá tải trầm trọng… Có những sự lãng phí đến mức vô lý, điển hình như nhiều cây cầu được xây dựng với số vốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng làm xong nhiều năm lại không thể đưa vào sử dụng chỉ vì… thiếu đường dẫn do đầu tư không đồng bộ.

 Một cây cầu ở Đắk Lắk hoàn thành nhưng không thể sử dụng vì thiếu đường dẫn. Ảnh: kinhtedothi.vn

Một cây cầu ở Đắk Lắk hoàn thành nhưng không thể sử dụng vì thiếu đường dẫn. Ảnh: kinhtedothi.vn

Trên đây chỉ là một lát cắt nhỏ phản ánh thực trạng lãng phí trong lĩnh vực đất đai, xây dựng thời gian qua, hậu quả không những làm thiệt hại trực tiếp về tiền bạc mà còn gây lãng phí tài nguyên đất đai-loại tài nguyên vô cùng quý giá, tư liệu sản xuất đặc biệt, đồng thời gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lãng phí còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo khiến người dân, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, cơ hội sản xuất kinh doanh.

Một bộ phận cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thiếu năng lực, tâm huyết, chất lượng, năng suất lao động thấp vẫn không được loại bỏ, ngồi chiếm chỗ của người tài, người có năng lực, gây lãng phí lớn về chất xám, nguồn nhân lực, “lãng phí” niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Lãng phí cũng còn xảy ra ngay với mỗi người, trong mỗi gia đình. Đó là tình trạng sử dụng điện, nước không hiệu quả, nạn đốt vàng mã vô tội vạ, tình trạng xây dựng lăng mộ cho người chết quá bề thế, hay thậm chí từ một việc “nhỏ” như ăn uống hằng ngày không khoa học, hợp lý gây lãng phí thực phẩm. Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nạn lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm vẫn còn ăn, sử dụng được nhưng bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm, gây lãng phí khoảng 3,9 tỷ USD. Tỷ lệ lãng phí thực phẩm của nước ta cao gấp hai lần so với các nước tiên tiến và giàu trên thế giới

Cùng với chống tham nhũng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng, chống lãng phí.

Tại Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-2-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Đảng ta đã chỉ rõ: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013…

Thế nhưng, khách quan đánh giá, việc chống lãng phí thời gian qua tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí”, nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm: Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”...

Để công cuộc phòng, chống lãng phí mang lại hiệu quả tích cực, các cấp, các bộ, ngành, các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đặc biệt, cần tìm ra nguyên nhân vì sao chủ trương, giải pháp thì nhiều nhưng hiệu quả thực hiện thời gian qua còn chưa cao, để từ đó có hướng khắc phục, đồng thời phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong thực hiện.

TRUNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/chong-lang-phi-can-hanh-dong-quyet-liet-799204
Zalo