Chống lạm thu trong trường học: Liệu có 'lờn thuốc'?
Lạm thu trong trường học đã thành căn bệnh mạn tính, bởi rất nhiều văn bản, nghị quyết chống lạm thu nhưng đều 'lờn thuốc'. Rất nhiều trường học lạm thu, thậm chí lạm thu khủng nhưng chưa có hiệu trưởng nào bị cách chức. Chống lạm thu không khó nhưng các trường có muốn làm hay không mà thôi!
Chưa thấy trường nào tự phát hiện lạm thu!
Lạm thu đã là căn bệnh mạn tính. Mạn tính vì nhiều lý do, mà nguyên nhân là do "lờn thuốc". Đơn giản cứ mỗi khi dư luận phát hiện ra trường học nào đó lạm thu, thì ngành giáo dục chỉ có "bài thuốc" đơn giản là "kiểm điểm". Kiểm điểm từ giáo viên chủ nhiệm đến hiệu trưởng, ban giám hiệu và sau đó là... hết.
Đặc biệt chưa bao giờ thấy các cơ quan quản lý giáo dục, từ cấp phòng đến cấp sở phát hiện trường nào lạm thu và công bố cho báo chí hoặc công luận biết. Vì sao như vậy thì ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tự trả lời. Nhưng dư luận xã hội thừa sức trả lời câu hỏi này. Một là lãnh đạo ngành giáo dục bao che cho lạm thu (dù chính họ ban hành rất nhiều văn bản chống lạm thu trong trường học trước mỗi năm học mới).
Hai là, ngành giáo dục cũng chạy theo thành tích của các trường, có thể biết trường nào lạm thu, hình thức lạm thu, số tiền lạm thu nhưng không muốn công bố vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, thi đua khen thưởng cuối năm.
Không có một lý do nào để bào chữa rằng lãnh đạo Phòng GD-ĐT Bình Thạnh, TPHCM chẳng hạn, lại không biết Trường Tiểu học Hồng Hà thường xuyên lạm thu hàng năm. Họ không chỉ biết trường này lạm thu mà còn biết nhiều trường gọi là "điểm" trong quận mình lạm thu ra sao. Rồi cuối cùng cấp phòng bao che trường, cấp sở bao che cấp phòng, mọi việc cứ thế lơ đi, để "cùng tiến", cùng được khen thưởng cuối năm. Bởi vậy 100% các vụ việc lạm thu trong nhiều năm qua đều do phụ huynh học sinh (HS) phát hiện. Họ phát hiện cũng không dám báo với hiệu trưởng, phòng, sở vì vô ích. Nhưng lạm thu nhiều quá (như ở Trường Tiểu học Hồng Hà nêu trên), lại "xì” lên mạng xã hội. Khi đó hiệu tưởng, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan chức năng mới miễn cưỡng vào cuộc và những cuộc kiểm điểm lại diễn ra, rồi đâu lại vào đó. Sang năm học mới, lại lòi các địa chỉ khác lạm thu, lạm thu khủng nữa là khác.
Dư luận tự hỏi, với việc lạm thu khủng như đã xảy ra ở Trường Tiểu học Hồng Hà ở quận Bình Thạnh, TPHCM thì nhà trường "cắn răng" hoàn lại tiều thu sai cho phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm kiểm điểm, hiệu trường, ban giám hiệu kiểm điểm là... xong! Vậy ai bảo đảm những năm tới trường này không xảy ra lạm thu?
Để xảy ra lạm thu, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng
Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp có phát biểu rất đáng quan tâm. Ông Hòa cho rằng, để xảy ra tình trạng lạm thu, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, theo ông Hòa, đến nay chưa thấy hiệu trưởng nào bị kỷ luật, cách chức vì để xảy ra lạm thu trong trường học.
Phát biểu này rất chính xác. Thử hỏi trong những năm qua, hàng trăm trường học công lập được phát hiện lạm thu, đã có hiệu trưởng nào bị cách chức chưa? Họ chỉ làm một việc, nhanh nhất và duy nhất là trả lại tiền thu sai cho cha mẹ HS, như trường Tiểu học Hồng Hà, họp nhanh, họp cấp tốc phụ huynh ngay trong đêm và chạy cho được gần 300 triệu đồng trả lại cho phụ huynh. Còn kiểm điểm là chuyện nhỏ. Rõ ràng, để xảy ra lạm thu như ở Trường Tiểu học Hồng Hà, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, không thể khác.
Tương tự, mới đây Ban giám hiệu Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban đại diện cha mẹ HS lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu sai quy định cho từng phụ huynh. Trước đó, trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương) cũng bị phụ huynh tố có dấu hiệu lạm thu khi đặt ra nhiều khoản thu phi lý. Sau khi nhận được phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc và xác định nhiều khoản thu của trường không đúng và vượt mức quy định. Tiếp theo, Ban giám hiệu nhà trường phải điều chỉnh lại các khoản thu cho đúng quy định.
Trả lại tiền thu sai cho cha mẹ HS là đúng; điều chỉnh các khoản thu sai so với quy định là đúng nhưng ai ban hành các khoản thu này, trách nhiệm hiệu trưởng ở đâu? Chẳng lẽ hiệu trưởng vô can?
Băn khoăn của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa rất đáng suy nghĩ, vì sao trong thời gian qua nhiều trường học để xảy ra lạm thu gây bức xúc trong xã hội nhưng chưa có hiệu trưởng nào bị kỷ luật, bị cách chức?
Với tư cách là người đứng đầu, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Đơn giản bởi Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 55 Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS, sao các trường không chấp hành, hay là chấp nhận "phép vua thua lệ làng"! Tất cả trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, kể cả sử dụng sai mục đích các khoản đóng góp.
CÔNG KHAI, MINH BẠCH ĐỂ CHỐNG LẠM THU
Cách chống lạm thu trong trường học đâu có khó. Trước tiên Ban giám hiệu nhà trường phải hiểu đúng khái niệm xã hội hóa giáo dục. Trong điều kiện ngân sách cho giáo dục còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.
Với kinh phí eo hẹp mà 85 - 90% phải chi cho lương, phần còn lại chi thường xuyên càng ít ỏi. Trong khi có rất nhiều những đầu việc, hoạt động trong trường học cần phải có tiền. Nếu không trông đợi vào sự hỗ trợ của cha mẹ HS và các nguồn xã hội hóa khác thì không thể làm được.
Sự đóng góp của phụ huynh là bình thường nhưng phải đúng quy định. Đặc biệt là phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, kể cả việc đóng góp và thực hiện chi tiêu. Để tránh được tình trạng lạm thu trong trường, hiệu trưởng, giáo viên cần phải có tính tự giác kỷ luật cao, chấp hành đúng quy định về thu, chi của Bộ GD-ĐT. Thu thêm tiền của phụ huynh HS khi nằm ngoài quy định của Bộ GD-ĐT là không hợp pháp. Vì thế, đầu năm học, Ban giám hiệu các trường công khai các khoản thu hợp pháp cho phụ huynh biết, công khai hoàn toàn trên website, dán trên bản thông tin của trường. Những khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh cũng vậy, công khai thu chi, kiểm tra giám sát cụ thể, thì làm sao có chuyện khuất tất, dẫn đến việc phụ huynh tố cáo.
Nếu các trường chấp hành đúng Thông tư 55, thì các cơ quan quản lý giáo dục khác, HĐND các địa phương cũng không cần ban hành các nghị quyết thu chi đầu năm học. Cơ quan quản lý nếu phát hiện các trường thu sai thì phải xử lý nghiêm, trong đó xử lý trách nhiệm của người đứng đầu là hiệu trưởng một cách nghiêm túc. Nếu vậy thì hiệu trưởng nào dám thu sai?
Hiện Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai, cũng sẽ góp phần quản lý tài chính, chống lạm thu trong trường học.
Chỉ có công khai, minh bạch, thực hiện việc kỷ luật nghiêm các trường để xảy ra lạm thu, quy trách nhiệm cho người đứng đầu (hiệu trưởng) thì mới mong chống được lạm thu. Càng để tình trạng lạm thu kéo dài, ngành giáo dục càng mất uy tín.
Những buổi họp phụ huynh đầu năm học, chuyện thu tiền phụ huynh chiếm nhiều thời gian hơn là bàn chuyện học của học sinh
Bộ GD-ĐT chấn chỉnh việc dạy liên kết
Về vấn đề dạy liên kết, nếu phụ huynh không lên tiếng thì các cơ quan quản lý giáo dục không biết (?). Theo phản ánh của phụ huynh, các chương trình liên kết như dạy kỹ năng sống, nghệ thuật, tiếng Anh với người bản ngữ, STEM... lại bị chèn vào giờ học chính khóa. Chẳng lẽ hiệu trưởng muốn đưa môn liên kết nào vào dạy cho HS cũng được sao? Tình hình đó, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng, yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học. Theo Bộ GD-ĐT, mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học không phải tạo điều kiện cho các nhà trường kết hợp với đơn vị liên kết đưa môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào giờ học chính khóa rồi buộc HS, phụ huynh phải đăng ký học và trả tiền. Cũng theo Bộ GD-ĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 bậc tiểu học, một số môn học ngoài chương trình là không bắt buộc. Tùy vào điều kiện và nhu cầu thực tế của phụ huynh, các cơ sở giáo dục có thể liên kết với các công ty/trung tâm bên ngoài để giảng dạy. Tuy nhiên trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, các môn Ngoại ngữ, Tin học, Khoa học, hoạt động trải nghiệm... là các môn/hoạt động giáo dục bắt buộc với đầy đủ chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học. Do vậy các trường không cần thiết phải tổ liên kết để dạy các môn này. Việc tăng thời gian học ở trường là để HS có điều kiện tham gia các hoạt động về thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện chứ không phải để tăng giờ cho các môn cơ bản như toán, văn, ngoại ngữ... làm tăng áp lực cho HS và tăng chi phí học tập với phụ huynh.