Chống lạm thu đầu năm học - Bài 7: Các cấp quản lý ngành giáo dục cần làm gì?
Lạm thu tại trường học tiếp tục được phản ánh. Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng đề cập vấn đề gây bức xúc này. Như các chuyên gia phân tích, từ lãnh đạo trường đến Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) đều có trách nhiệm, vấn đề đặt ra là các cấp quản lý ngành cần làm gì để lạm thu không còn 'đến hẹn lại tái diễn' đầu mỗi năm học?.
Thêm loạt vụ có dấu hiệu lạm thu trong trường học
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 6: Chuyên gia 'hiến kế'
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 5: Có nên loại bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 4: Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các nước
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 3: Trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu, chi thế nào?
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 2: Dư luận, phụ huynh, giáo viên 'lên tiếng'
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 1: Lùm xùm loạt vụ thu quỹ đến cả tỷ đồng
Báo Pháp luật Việt Nam dẫn ý kiến cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị trong ngành giáo dục:
Ông Nguyễn Như Ý – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ, đầu năm học, Phòng Giáo dục huyện Thường Tín đã phát đi văn bản hướng dẫn các trường trên địa bàn xây dựng kế hoạch và nội dung thu chi, đặc biệt là trong các khoản thu bắt buộc. Điều này nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa trường học và phụ huynh về công tác thu chi.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, để đối phó với vấn đề lạm thu, quan trọng nhất là phải có sự hợp tác giữa gia đình và trường học. Trong đó, trường học cần kiểm soát tốt hơn để đảm bảo sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn thu. Ban đại diện cha mẹ cần được hướng dẫn rõ ràng hơn về các quy định và nghị định liên quan đến các khoản thu, chi trong trường.
"Quan điểm của tôi là cần có cuộc thảo luận dân chủ và giao trách nhiệm quản lý cho phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện vai trò cầu nối, tham gia hỗ trợ quá trình dạy học và không trở thành cánh tay nối dài của lạm thu trong trường học. Để làm được như vậy, việc thu, chi của ban đại diện cha mẹ học sinh cần được luật hóa và nhà trường phải thông tin đến các ban đại diện trong đầu năm học”, ông Như Ý nói .
Cũng theo ông Như Ý, Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm không thích hợp với tình hình hiện nay. Ví dụ, Thông tư 55, có đề cập đến việc xây dựng quỹ từ phía ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, việc không đưa ra hạn mức cụ thể về quỹ làm cho việc quản lý trở nên khó khăn. Cần phải xác định rõ hạn mức quỹ cho từng vùng, chẳng hạn như khu vực đô thị và vùng nông thôn. Khi có hạn mức cụ thể, việc theo dõi và xử lý vi phạm trở nên dễ dàng hơn, và việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trở nên có cơ sở.
Hải Dương là địa bàn có trường bị phản ánh xảy ra hiện tượng lạm thu. Ông Phạm Hồng Quân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm học 2022 – 2023, Sở GD&ĐT Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính đề xuất cho Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022, quy định danh mục và mức thu phí, cũng như các khoản thu dịch vụ nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, trường phổ thông và các cơ sở giáo dục công lập. Ông Quân nhấn mạnh, đây là một căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện thu, chi minh bạch.
Vào đầu năm học 2023 – 2024, ngay từ tháng 8/2023, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thực hiện các khoản thu theo quy định. Ngày 8/9/2023, Sở cũng phát hành văn bản về việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ trong năm học 2023 – 2024 và gửi cho các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT, Phòng GDĐT các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện theo hướng dẫn trong văn bản này.
Đầu năm học, các trường thực hiện nguyên tắc tuyên truyền, vận động và thông tin đến các phụ huynh của học sinh về các khoản thu.
Vào tháng 9 vừa qua, Sở GDĐT Hải Dương đã tổ chức một hội nghị triển khai các nhiệm vụ đầu năm học. Hội nghị tập trung vào việc cải thiện quá trình thu góp đầu năm học, và cũng thảo luận về việc quán triệt nội dung từ lãnh đạo Sở và các phòng ban của Sở.
Cũng theo ông Quân, mục tiêu của việc quán triệt này là đảm bảo việc thu học phí và các khoản thu khác tuân theo đúng quy định của Nghị quyết số 08; không tập trung thu hết vào đầu năm học. Điều này đồng nghĩa với việc thu góp sẽ được quy định cụ thể và thông báo theo từng tháng, giúp cho gia đình nào có điều kiện và mong muốn đóng góp vào đầu năm học có thể thực hiện. Trường học không nên thông báo thu hết vào đầu năm, bởi vì không phải tất cả các phụ huynh đều có khả năng và ý thức đóng góp một lần vào đầu năm.
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, thực tế trong quá trình thông tin đến phụ huynh, thậm chí cả giáo viên cũng không truyền đạt đầy đủ nội dung các văn bản, dẫn đến một số vấn đề không mong muốn xảy ra.
"Vấn đề này liên quan đến công tác tuyên truyền khi việc thu góp được triển khai tập trung vào đầu năm, mà thực tế không đúng với quy định của pháp luật. Ngay cả khi có nhiều gia đình có điều kiện và tự nguyện đóng hết vào đầu năm, trường vẫn cần phải thu các khoản phí theo quy định, từng khoản từng tháng" ông Quân nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường -Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh), để ứng phó lạm thu, Sở GD&ĐT cần tăng cường việc tuyên truyền và phổ biến các văn bản chỉ đạo về việc thu, chi đến tất cả các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Sở và các cơ quan giáo dục trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục cần phổ biến thông tin và quy định cho cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên để đảm bảo tính công khai và minh bạch trong quá trình thu, chi.
Sở thực hiện thẩm định và xác định mức thu, chi cho các khoản thu của các đơn vị công lập trực thuộc năm học 2023-2024 để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định; tổ chức thu các khoản thu theo quy định, cũng như thu theo thỏa thuận và tự nguyện, tránh tập trung thu vào đầu năm học. Việc thu theo từng tháng hoặc học kỳ sẽ phù hợp với tình hình địa phương và không tạo khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Đồng thời, Sở hợp tác với các cơ quan liên quan để kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản hướng dẫn về quản lý thu, chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm cần được báo cáo và áp dụng các biện pháp xử lý.
"Các cơ sở giáo dục nên triển khai các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt để tránh các vấn đề liên quan đến tiền mặt và để tạo sự thuận tiện cho phụ huynh", Ông Cường đề xuất.
Sở GD&ĐT cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát tình hình thu và chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, thẩm định và thông báo các khoản thu bằng văn bản, cụ thể về các mức thu thỏa thuận và tự nguyện năm học 2023-2024 đối với các đơn vị thuộc quản lý của Sở.
Đối với thông tin và quy định liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh và trường học, theo ông Cường, hai bên cần được nắm bắt, thông tin, và thảo luận để đạt được sự đồng thuận.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã ban hành đầy đủ hướng dẫn về các khoản thu của trường phổ thông. Quan trọng là địa phương, nhà trường tăng cường thanh tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức.
"Tiến tới mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt, nhằm khắc phục tình trạng lạm thu", ông Sơn nói, đồng thời cho hay Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc việc này.
Liên quan đến vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học và giải pháp chấm dứt tình trạng lạm thu đầu năm học, Báo Pháp luật Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT nêu ý kiến, quan điểm cụ thể.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đăng tải thông tin khi có phản hồi chính thức từ phía Bộ GD&ĐT.
Những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu
Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT liệt kê chi tiết 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu không được thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.