Chống lạm thu đầu năm học - Bài 6: Chuyên gia 'hiến kế'

Lý giải nguyên nhân, phân tích trách nhiệm cụ thể của những bên liên quan, các chuyên gia đồng thời đề xuất giải pháp để có thể 'bài trừ' lạm thu đầu năm học, để hiện tượng gây bức xúc dư luận này không còn 'đến hẹn lại diễn ra'...

Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 5: Có nên loại bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 4: Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các nước

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 3: Trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu, chi thế nào?

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 2: Dư luận, phụ huynh, giáo viên 'lên tiếng'

Chống lạm thu đầu năm học - Bài 1: Lùm xùm loạt vụ thu quỹ đến cả tỷ đồng

Hiệu trưởng phải là người có trách nhiệm

TS. Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT; Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam cho biết, bài toán thu và chi đầu năm ở các trường học phổ thông được lặp đi lặp lại hàng năm và có xu hướng phức tạp hơn. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 16 ngày 03/08/2018 về “Quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, tuy nhiên tình hình chưa được chấn chỉnh triệt để, hiệu quả, dẫn đến đó đây những tiêu cực vẫn còn xảy ra tại trường học.

“Điều này, đòi hỏi chúng ta cần có cách nhìn toàn diện hơn, đi vào bản chất mới hy vọng tìm ra giải pháp khả thi để giải quyết được một cách căn cơ bức xúc trong xã hội, mang lại bầu không khí văn hóa học đường lành mạnh vốn có của các trường tiểu học và phổ thông”, TS Ân phân tích.

Về nguyên nhân khiến "câu chuyện lạm thu” liên tục "nóng" qua các năm, TS Đặng Tự Ân lý giải, đây là "câu chuyện" quản lý nhà trường, liên quan tới trách nhiệm cùng cách thức hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, ở trường.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, hiệu trưởng là người đại diện pháp luật, với chức trách quản lý tại mỗi cơ sở giáo dục, do vậy mọi hoạt động trong trường kể cả hoạt động của Ban đại diện trong hoạt động thu chi đầu năm, hiệu trường đều phải có trách nhiệm.

Việc thu phải đảm bảo nguyên tắc thông báo công khai, dân chủ trong toàn trường, trong tất cả cha mẹ học sinh. Việc chi cũng phải theo nguyên tắc rõ ràng, tường minh, nhất là mua sắm, giải ngân theo đúng như quy định hiện hành của nhà nước.

TS. Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam.

TS. Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam.

"Khi xuất hiện dư luận tiêu cực trong việc thu chi đầu năm, Hiệu trưởng nhà trường phải tổ chức giải trình công khai trong hội nghị giáo viên toàn trường và các Đại diện cha mẹ học sinh các lớp. Tuyệt đối nhà trường không được bỏ qua dư luận hoặc đổ lỗi cho Ban đại diện và cho rằng Ban đại diện đã thực hiện và phải chịu trách nhiệm", ông Ân nói.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục thì cho rằng, "giờ chúng ta không đặt câu hỏi về những bức xúc và sai phạm nữa, chúng ta chỉ đặt câu hỏi về trách nhiệm giải quyết sự vụ của các cơ quan quản lý giáo dục như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, các phòng Giáo dục và Đào tạo trên cả nước”. Với TS Hương, một trong những nguyên nhân chính khiến lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra là do sự “rà soát” của các cấp quản lý còn mang tính ước lệ, chỉ thực hiện khi các cơ quan truyền thông lên tiếng.

“Có những giáo viên mệt mỏi cho tôi biết: Năm nào cũng có tiếng nói của báo chí, năm nào cấp quản lý cũng chỉ đạo rà soát, cũng “rà soát” nhưng chẳng năm nào chủ động đưa ra được kết quả “rà soát”, không thấy thông báo về chế tài xử phạt hay tên tuổi các cá nhân, các đơn vị vi phạm. Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, lại “lạm thu”, lại “rà soát” và… lại “vẫn thế”, TS Hương nêu.

Phụ huynh cần dũng cảm hơn, quyết liệt hơn

Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cũng chỉ ra, lạm thu đầu năm học còn "đất sống" bởi có những khoản thu có tính "ép buộc tự nguyện", nhưng nhiều phụ huynh phản ứng thiếu mạnh mẽ.

TS Hương phản ánh, khi phát hiện lạm thu, có thể phụ huynh nhắn tin với nhau hoặc đưa lên mạng xã hội để bày tỏ sự bức xúc. Tuy nhiên, nếu được đề nghị viết đơn hay "ra mặt" trả lời phỏng vấn báo đài thì họ lập tức từ chối...

“Tôi rất thông cảm cho sự lo ngại của họ vì con họ học trong trường. Các gia đình cũng không hề có động thái từ chối nộp các khoản thu không hợp lý”, TS Hương chia sẻ. "Tuy nhiên, tôi mong các phụ huynh dũng cảm hơn, quyết liệt hơn trong "chiến đấu" bài trừ lạm thu để hiện tượng này không còn tái diễn. Đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của các phụ huynh để góp phần bảo vệ và xây dựng môi trường học đường trong sạch, công bằng cho con em mình".

"Bài trừ" lạm thu cách nào?

Việc để tình trạng “lạm thu” diễn ra hàng năm, theo TS Hương, trách nhiệm trước tiên cần xét từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, bởi một số quy định thu chi không rõ ràng, không có chế tài xử phạt đủ răn đe khi có việc không thi hành nghiêm các quy định.

“Tôi nghĩ có thể áp dụng phương án có 1 tài khoản cố định đặt tại kho bạc nhà nước các tỉnh, thành để phụ huynh chuyển các khoản tiền phải nộp vào và chuyển về cho trường thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lạm thu. Vì như thế, mọi khoản thu, chi sẽ tuân theo quy định của từng tỉnh, thành và công bằng ở mọi trường trên địa bàn tỉnh”, TS Hương đề xuất.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục.

Còn theo TS. Đặng Tự Ân, để chống lạm thu, trước khi tổ chức thu phí đầu năm, Hiệu trưởng nhà trường cần tổ chức hội nghị để tất cả cha mẹ học sinh trong các lớp quán triệt các loại thu, mức thu và cấp có thẩm quyền cho phép. Hiệu trưởng có thể họp hội đồng gồm các giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất khoản thu, mức thu. Nghị quyết họp này phải cụ thể hóa bằng văn bản và ghi rõ lý do mục đích thu, mức thu, đối tượng được miễn giảm với gia đình khó khăn, cuối cùng là hoàn toàn tự nguyện, không thu bình quân.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, nếu các văn bản pháp luật, các văn bản dưới luật chưa có quy định cụ thể về các chế định, chế tài xử lý lạm thu thì phải bổ sung. Nếu ai trực tiếp lạm thu thì không chỉ phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo mà cá nhân phải bồi hoàn lại những khoản đã lạm thu và cách thức xử lý cao hơn, đủ để cá nhân ấy không tái phạm.

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc triển khai thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong nhà trường cần tiến hành thường xuyên hàng năm.

"Vai trò này của cơ quan cấp trên cơ sở giáo dục đào tạo rất quan trọng. Tôi thấy đây là việc làm thiết thực nhất. Bên cạnh đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đào tạo trong việc giám sát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trường phải công khai, minh bạch những khoản thu đầu năm, phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, phải có cuộc họp giữa toàn bộ các phụ huynh học sinh với nhà trường", ông Lê Như Tiến nói và nhấn mạnh: "Đại diện cha mẹ học sinh với đại diện nhà trường thống nhất và thông báo xin ý kiến toàn thể phụ huynh học sinh chứ không phải đã thống nhất với nhau rồi thu, chi xong mới thông báo. Thông báo xin ý kiến và thông báo nộp tiền là hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng hai giải pháp quan trọng nhất là "siết" trách nhiệm người đứng đầu và minh bạch, công khai các khoản thu trước, trong và sau khi thu".

* Mời Quý độc giả đón đọc: Chống lạm thu đầu năm học - Bài 7: Các cấp quản lý cần làm gì?

Ngọc Nga - Dương Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chong-lam-thu-dau-nam-hoc-bai-6-chuyen-gia-hien-ke-post491486.html
Zalo