Chống lại sự nóng lên toàn cầu vì lợi ích riêng của các quốc gia

Hãng Thông tấn AFP ngày 7/2 dẫn lời Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell cho biết, tình trạng nóng lên toàn cầu đang 'ở mức cao nguy hiểm', nhưng những tiến bộ thực sự đã được thực hiện kể từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt; nhấn mạnh lợi ích của các quốc gia trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

 Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Đức. Ảnh minh họa: Reuters/baotainguyenmoitruong.vn

Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Đức. Ảnh minh họa: Reuters/baotainguyenmoitruong.vn

Nhận định này được ông Simon Stiell đưa ra trong bài phát biểu tại một trường đại học ở thủ đô Brasilia của Brazil. Đáng chú ý, Brazil sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 30 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) vào tháng 11 năm nay.

“Chúng ta đã đi đúng hướng. Chúng ta chỉ cần triển khai, triển khai nhiều hơn và nhanh hơn”, ông Simon Stiell khẳng định. Các quốc gia đang bước vào vị trí để nắm bắt cơ hội và gặt hái những thành quả to lớn, bao gồm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, nhiều việc làm hơn, ít ô nhiễm hơn và chi phí y tế thấp hơn nhiều, năng lượng an toàn và giá cả phải chăng hơn.

Theo người đứng đầu UNFCCC, những thực tế về mặt kinh tế sẽ thúc đẩy hành động, với khoản đầu tư vào khí hậu hiện đang ở mức 2 nghìn tỷ USD. Hơn tất cả các yếu tố khác, lợi ích riêng là lý do tại sao sự chuyển dịch năng lượng sạch hiện “không thể dừng lại”, bởi quy mô cơ hội kinh tế khổng lồ mà nó mang tới.

Cho đến nay, chỉ một số ít quốc gia đã đệ trình kế hoạch khí hậu, bao gồm Brazil và Vương quốc Anh, tiếp theo đó dự kiến sẽ là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay.

Một quan chức của Liên hợp quốc nói thêm, hơn 170 quốc gia đang chuẩn bị các mục tiêu phát thải mới và có kế hoạch đệ trình chúng trong năm nay, hầu hết trong số những kế hoạch này sẽ được đệ trình trước thời điểm diễn ra COP30.

Được biết, giới hạn an toàn hơn theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là 1,5 độ C, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, mục tiêu này đang trượt ra khỏi tầm với. Năm ngoái là năm nóng nhất được ghi nhận, và nhiệt độ trung bình của năm 2023 và 2024 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1,5 độ C. Trong một động thái liên quan trước đó vào ngày 6/2, Cơ quan Giám sát khí hậu của châu Âu (Copernicus) thông tin, tháng 1 vừa qua là tháng 1 nóng nhất được ghi nhận.

Liên quan đến tài chính khí hậu, Hội nghị COP29 năm ngoái tại thủ đô Baku của Azerbaijan đã kết thúc với việc các quốc gia giàu hơn đồng ý cung cấp ít nhất 300 tỷ USD/năm cho đến năm 2035, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và xây dựng khả năng phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế được ước tính ở mức 1,3 nghìn tỷ USD ở các quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia trong số đó đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ.

Trong năm nay, ông Simon Stiell cho rằng, trọng tâm sẽ là tìm kiếm các nguồn tiền khác để lấp đầy khoảng trống. Thư ký điều hành UNFCCC nhấn mạnh, khoản tài trợ này “không phải là từ thiện”, mà là một cách để kiềm chế lạm phát do các thảm họa khí hậu gây ra; ông cũng lưu ý những dấu vết của hạn hán, lũ lụt và cháy rừng do khí hậu gây ra trên tình trạng giá thực phẩm tăng cao.

LÊ THẢO (Lược dịch từ AFP)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chong-lai-su-nong-len-toan-cau-vi-loi-ich-rieng-cua-cac-quoc-gia-150648.html
Zalo