Chống khai thác IUU: Cuộc chiến không ngừng nghỉ

Hơn 6 năm từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) chính thức rút 'thẻ vàng' đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU, là chương trình chống 'Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định', ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU là câu chuyện dài, không phải chỉ để đối phó với EC trong đợt kiểm tra sắp tới.

Tháng 5/2017, đoàn công tác của EC đã vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EC về IUU. Qua kiểm tra, đoàn công tác đưa ra 5 khuyến nghị, yêu cầu đến trước 30/9/2017, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế quản lý; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tàu thuyền Bình Thuận (ảnh: N. Lân)

Tàu thuyền Bình Thuận (ảnh: N. Lân)

Tuy nhiên, việc cải thiện các khuyến nghị đã không thể hoàn thành lúc đó. Mãi đến nay, sau 7 năm, đã qua 4 lần EC tổ chức các đoàn kiểm tra, Việt Nam vẫn chưa thể gỡ “thẻ vàng” (các đợt kiểm tra lần lượt vào tháng 5/2018; tháng 11/2019; tháng 10/2022; tháng 10/2023). Dự kiến EC sẽ tổ chức đợt kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10 tới.

Trong số 5 khuyến nghị của EC, riêng về thể chế quản lý đến nay Việt Nam đã hoàn thiện. Đối với các nhóm vấn đề khác, để khắc phục, thiết nghĩ quan trọng nhất hiện nay chính là tuyên truyền cải thiện nhận thức của chủ tàu, thuyền trưởng, bởi những quyết định của họ khi khai thác trên biển mới là yếu tố dẫn đến việc có vi phạm IUU hay không.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra hành chính tàu thuyền, ngư dân đánh bắt trên biển.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra hành chính tàu thuyền, ngư dân đánh bắt trên biển.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Thuận ngày 9/9 này, tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính 372 vụ với số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 258 vụ/965,55 triệu đồng; cơ quan chuyên ngành (Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở NN&PTNT) xử phạt 75 vụ/gần 1,2 tỷ đồng; cấp chính quyền xử phạt 39 vụ/792,5 triệu đồng (trong đó, UBND tỉnh xử phạt 2 vụ/188 triệu đồng; huyện Tuy Phong xử phạt 18 vụ/415,5 triệu đồng; TP. Phan Thiết xử phạt 3 vụ/75 triệu đồng; thị xã La Gi xử phạt 10 vụ/77,5 triệu đồng; huyện Phú Quý xử phạt 6 vụ/36,5 triệu đồng). Có thể thấy, số tiền xử phạt vi phạm IUU mỗi năm tăng lên, đồng nghĩa với số trường hợp vi phạm cũng tăng dần theo thời gian. Những hành vi nêu trên trước hết bắt nguồn từ chính ý thức thực hiện của chủ tàu, thuyền trưởng.

Qua mỗi năm số tiền xử phạt vi phạm IUU mỗi năm tăng lên.

Qua mỗi năm số tiền xử phạt vi phạm IUU mỗi năm tăng lên.

Hay như đến nay vẫn còn 228 tàu chiều dài từ 12 mét trở lên chưa được đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá theo Thông tư 06, mà đây là nhóm tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài cao. Bên cạnh đó, vẫn còn 1.431 tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép. Trong đó, Tuy Phong 326 tàu; Bắc Bình 3 tàu; Hàm Thuận Bắc 1 tàu; Phan Thiết 435 tàu; Hàm Thuận Nam 21 tàu; La Gi 406 tàu; Hàm Tân 5 tàu; Phú Quý 234 tàu.

Ngoài ra, tình trạng tàu không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản theo quy định; chủ tàu, thuyền trưởng “chưa có thói quen” ghi, nộp nhật ký khai thác cũng như báo cáo về quá trình bán hải sản, tình trạng tàu cá hoạt động không đăng ký, không có hoặc hết hạn giấy phép KTTS… vẫn còn xảy ra nhưng chưa được xử lý triệt để. Công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cố gắng, nhưng số liệu thống kê chưa đảm bảo độ tin cậy. Hiện chỉ mới giám sát 28.332 tấn/156.430 tấn sản lượng đánh bắt của tỉnh (chỉ đạt 18,1%).

Công tác giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cố gắng, nhưng số liệu thống kê chưa đảm bảo độ tin cậy.

Công tác giám sát sản lượng lên bến tuy có nhiều cố gắng, nhưng số liệu thống kê chưa đảm bảo độ tin cậy.

Từ sau năm 2017 đến nay, trước mỗi đợt kiểm tra của EC, từ Trung ương đến địa phương đều xác định “đây là cơ hội vàng để gỡ “thẻ vàng””, nhưng rồi lần nào cũng lỡ hẹn. Liệu lần này ngành thủy sản có giành lại được “Thẻ xanh” IUU? Câu trả lời cứ bỏ ngỏ, vì phụ thuộc khá nhiều từ các bên, nỗ lực của ngành chức năng và nhận thức từ ngư dân, thuyền trưởng, những người trực tiếp khai thác hải sản trên biển.

Các chủ tàu, thuyền trưởng phải được nâng cao nhận thức thực hiện đúng các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản. (ảnh:. N. Lân)

Các chủ tàu, thuyền trưởng phải được nâng cao nhận thức thực hiện đúng các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản. (ảnh:. N. Lân)

Phải thừa nhận rằng các quy định của EC về chống IUU là một điều rất tích cực, để bảo vệ nguồn lợi và hoạt động bền vững cho ngành thủy sản, bảo vệ môi trường... và đích đến cuối cùng là vì sinh kế lâu dài của người dân sống dựa vào khai thác hải sản. Do đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: “Ngành chức năng đã tạo mọi điều kiện tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ các ngư dân, chủ tàu thực hiện đăng ký tàu “3 không”, những trường hợp nào không chấp hành, cần lập danh sách tàu cá gửi cho lực lượng chức năng phối hợp phường, xã giám sát, không cho xuất bến đi hoạt động, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, đảm bảo đến 15/9 nhóm tàu “3 không” từ 6 - 12 m hoàn thành 100% việc đăng ký”.

Cho dù lần này có gỡ được “thẻ vàng” IUU hay không, các chủ tàu, thuyền trưởng cũng phải được nâng cao nhận thức thực hiện đúng các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản, không phải chỉ vì lợi ích quốc gia, địa phương, mà trước hết là vì lợi ích của bản thân và sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân. Vậy nên, chống IUU là không có điểm dừng, là cuộc chiến không ngừng nghỉ!

MINH VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chong-khai-thac-iuu-cuoc-chien-khong-ngung-nghi-124022.html
Zalo