Bị hại cầm dao rựa uy hiếp, bị cáo lãnh 1 năm tù
Người cầm dao rựa uy hiếp trở thành bị hại, phía luật sư cho rằng vụ án 'cố ý gây thương tích' có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngày 7-11, TAND huyện Chư Păh (Gia Lai), mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án cố ý gây thương tích và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phước Cường (35 tuổi, ngụ thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) 12 tháng tù.
Đây là vụ án thứ hai mà bị cáo Nguyễn Phước Cường bị đưa ra xét xử trong vòng hai tháng liên quan đến cùng một gia đình bị hại. Trước đó (ngày 9-9), bị cáo Cường cùng với mẹ là Lê Thị Kim và bố là Nguyễn Phước Vũ bị TAND huyện này xét xử tội xâm phạm chỗ ở của người khác ngay trên căn nhà mà họ đang ở.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Cường và luật sư bào chữa cho rằng vụ án có nhiều nội dung cần được làm rõ, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng HĐXX bác bỏ.
Bị hại cầm rựa dọa bị cáo
Theo cáo trạng truy tố, khoảng 20 giờ ngày 20-12-2023, do có mâu thuẫn từ trước, bị cáo Nguyễn Phước Cường điều khiển xe mô tô đi qua trước cổng nhà bà Trần Thị Thanh Thủy (45 tuổi, ngụ thôn 7, xã Ia Nhin – gần nhà bị cáo) dùng lời khiêu khích, xúc phạm.
Lúc này, ông Huỳnh Văn Quốc (chồng bà Thủy) ở trong nhà cầm dao rựa chạy ra dọa, liền bị Cường dừng xe lao vào khống chế tay cầm dao của ông Quốc và hai bên xảy ra giằng co. Quá trình giằng co, Cường nhiều lần đấm tay vào mặt, đầu ông Quốc gây thương tích.
Ngay sau đó, người nhà cả hai bên ra căn ngăn, người nhà bị cáo Cường tước lấy con dao rựa trên tay ông Quốc. Vụ việc được Công an xã Ia Nhin đến hiện trường nắm tình hình vụ việc, thu giữ con dao rựa.
Ngày 19-2-2024, Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai giám định ông Quốc bị thương tích 25% và ngày 6-5-2024, Trung tâm này có kết quả xác định lại thương tổn của ông Quốc là 19%. Phía bị cáo Cường cũng bị thương tích 4%.
Ngày 10-6-2024, Công an huyện Chư Păh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Phước Cường về tội cố ý gây thương tích.
Tại phiên tòa, bị cáo Cường cho rằng giữa gia đình bị cáo và bị hại có mâu thuẫn từ trước liên quan tranh chấp căn nhà. Bị cáo không có thách thức, xúc phạm gia đình bị hại.
Theo bị cáo Cường, lúc bị cáo đi ngang qua nhà bị hại, phát hiện ông Quốc cầm dao rựa chạy nhanh ra đường chặn xe của bị cáo, bị cáo sợ nguy hiểm tính mạng nên dừng lại. Lúc này, Quốc dùng rựa chém hai nhát nhưng bị cáo né được, chỉ bị thương nhẹ ở tay. Tiếp đó, bị cáo lao vào cầm tay ông Quốc, không cho ông Quốc chém nên giữa hai bên giằng co, vật nhau xuống đất.
“Bị cáo không đánh, cố ý gây thương tích cho bị hại. Sự việc xảy ra do bị cáo từ trong nhà cầm rựa lao ra, chứ không phải bị cáo chạy vào nhà gây thương tích cho bị hại. Bị cáo cũng bị thương tích, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Văn Quốc”, bị cáo Cường nói.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Trong phần tranh luận, đại diện VKS vẫn bảo lưu quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Phước Cường về tội cố ý gây thương tích và cho rằng hành vi này là "cố ý'. Vì lúc “bị hại cầm dao rựa ra dọa, bị cáo có sự lựa chọn là lái xe mô tô bỏ chạy” nhưng bị cáo lại đứng lại và có chủ ý đánh người.
Vấn đề này, bị cáo Cường, nói: “Ông Quốc cầm dao rựa chạy ra quá nhanh, bị cáo sợ bỏ chạy sẽ bị chém nên đứng lại và khống chế tay ông Quốc cầm dao chém”.
Còn bị hại, ông Huỳnh Văn Quốc nói mình bị đánh nhiều lần vào mặt, đầu nhưng không nhớ rõ bị đánh như thế nào, đánh bao nhiêu cái, lời nói tại tòa và trong các bút lục bất nhất.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Nguyễn Đức Du, Công ty Luật TNHH Đại Nguyên (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), cho rằng VKS truy tố bị cáo Nguyễn Phước Cường về tội cố ý gây thương tích là chưa đủ căn cứ pháp lý và thiếu cơ sở vững chắc, mâu thuẫn với các tình tiết khác.
Thứ nhất, Cơ quan điều tra và VKS không thực nghiệm điều tra rõ tư thế, vị trí giằng co dẫn đến các thương tích là hết sức thiếu sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Thứ hai, cần phải xác định cơ chế (vật) hình thành thương tích của bị cáo và bị hại trong vụ án, đặc biệt hành vi bị hại cầm hung khí là con dao rựa vẫn chưa được làm rõ. Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra không khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Văn Quốc về cùng hành vi cố ý gây thương tích cho bị cáo Cường là không khách quan và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, các clip do gia đình bị hại cung cấp, giám định không xác định được có bị chỉnh sửa, cắt ghép hay không và ba đối tượng trong hình không xác định rõ là ai, hình bị mờ nên không thể làm chứng cứ vụ án, thiếu rõ ràng.
Vì vậy, để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật và không gây oan sai cho bị cáo Cường, cũng như không bỏ lọt tội phạm, kính đề nghị HĐXX áp dụng Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ kiến nghị của luật sư và bị cáo, cho rằng vụ việc đã được Cơ quan điều tra, VKS và đơn vị giám định làm rõ.
Kỳ lạ gãy 4 xương sườn không rõ nguyên do
Theo kết luận giám định pháp y số 85 ngày 29-2-2024 của Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai, ông Huỳnh Văn Quốc bị thương tích 25%. Gồm: chấn động não 3%; gãy xương mũi 8%; gãy cung tiếp gò má đa tầng 9% và gãy bốn xương sườn bên phải 8%. Cơ chế hình thành vết thương do tác động trực tiếp và vật tày.
Đến ngày 25-4-2024, Công an huyện Chư Păh đề nghị Trung tâm trên giải thích kết luận giám định do trong phim chụp X quang ngày 20-12-2023 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai không ghi nhận có tổn thương phổi và xương sườn.
Ngày 6-5-2024, Trung tâm này trả lời: Ông Quốc bị thương tổn cơ thể 19%. Việc xác định gãy bốn xương sườn bên phải có phải do thương tích xảy ra hôm 20-12-2023 hay không là có cơ sở.
Đồng thời, Trung tâm cũng xác định bị cáo Nguyễn Phước Cường thương tích 4% do tác động trực tiếp và mài trượt trên vật tày thô ráp.
Liên quan giám định này, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX phải triệu tập giám định viên để làm rõ cơ chế gây vết thương nhưng không được chấp nhận. Theo luật sư, cần phải xác định cơ chế gây vết thương, đặc biệt là vết thương trên tay bị cáo Cường nghi do vật sắc nhọn là dao rựa gây ra.