Chông gai con đường tìm kiếm hòa bình ở Ukraine
Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, theo đánh giá của giới chuyên gia, không chỉ đơn thuần là một cuộc xung đột quân sự mà còn phơi bày những sự thật về tình hình địa chính trị, khi cả hai bên hiện đều chưa sẵn sàng nhượng bộ để đi đến một lệnh ngừng bắn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, cùng với sự căng thẳng toàn cầu cũng đang làm cho việc đạt được mục tiêu trên trở nên cực kỳ khó khăn.
Kể từ khi cuộc chiến toàn diện Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022, những lời kêu gọi về một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán quốc tế đã không ngừng vang lên. Các hội nghị quốc tế đã được tổ chức nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến, từ hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ đến tin đồn về Nhóm Liên lạc “Minsk 3.0”.
Phương Tây ngày càng mong muốn thúc đẩy hòa bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã phát đi thông điệp mà họ muốn nghe: giải pháp hòa bình thông qua sức mạnh của Ukraine. Dẫu vậy, những cuộc đàm phán này dường như không mang lại kết quả thực sự. Nga tiếp tục đưa ra các yêu cầu mà phía Ukraine không chấp nhận, bao gồm việc kiểm soát các khu vực chiến lược như Donbas, Odesa và Kharkov, cùng với những giới hạn về việc gia nhập NATO của Kiev. Moscow cũng đặt cược rằng, áp lực tài chính và quân sự sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ theo thời gian. Tình thế này cho thấy rằng các cuộc đàm phán hòa bình vẫn còn rất xa vời và xung đột sẽ tiếp tục kéo dài.
Từ khi nổ ra cuộc xung đột tới nay, phương Tây đã cung cấp một lượng lớn viện trợ cho Ukraine, với hơn 185 tỷ euro (tương đương hơn 205 tỷ USD) viện trợ quân sự và tài chính. Tuy nhiên, cuộc chiến đã kéo dài hơn dự kiến và gây ra áp lực lên các quốc gia châu Âu và Mỹ, với tình trạng lạm phát cao và sự gia tăng của các phong trào dân túy. Sự mệt mỏi dần dần lan rộng, khi các quốc gia này đối mặt với câu hỏi: “Cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu nữa?”. Dù vậy, nhận định rằng xung đột có thể kết thúc nhanh chóng qua đàm phán lại là một sai lầm. Nga không có ý định từ bỏ yêu cầu của mình, trong khi Ukraine vẫn buộc phải duy trì khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công liên tiếp. Thực tế này cho thấy, hòa bình không thể đạt được chỉ thông qua ngoại giao.
Hiện tại, cả Moscow và Kiev đều mắc kẹt trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, với mỗi bên hy vọng rằng đối phương sẽ kiệt quệ trước mình. Trong khi Ukraine tìm cách tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, Nga vẫn duy trì các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng của Ukraine, đặc biệt là vào lưới điện. Mặc dù có nhiều cuộc đàm phán bí mật được thực hiện nhưng vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận nào mang tính đột phá.
Một trong những hy vọng lớn của phương Tây là sự suy yếu của Nga do những vấn đề nội bộ và nguồn lực bị tiêu hao do xung đột. Một số phân tích cho rằng, Nga có thể cạn kiệt nguồn lực trong vòng 12-18 tháng tới, mở ra triển vọng kết thúc cuộc chiến vào năm 2025 hoặc 2026.
Tuy nhiên, vấn đề lớn là liệu Ukraine có thể tồn tại qua thời gian đó hay không. Và trước mắt là mùa Đông 2024-2025. Đây có thể trở thành một trong những thử thách nghiêm trọng nhất đối với Kiev. Hạ tầng điện của quốc gia này đã bị tàn phá nặng nề do các cuộc tấn công của Nga dẫn đến nguy cơ mất điện diện rộng trên toàn quốc. Điều này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư mới, khi người dân không có đủ điện để sưởi ấm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời, tình hình tài chính của Ukraine cũng không mấy khả quan, với khoản thâm hụt ngân sách dự kiến lên đến 12 tỷ USD vào năm 2024, có thể dẫn đến lạm phát và gia tăng bất mãn xã hội. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tiến trình hòa bình. Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến theo những điều khoản có lợi cho Moscow, tương tự như các thỏa thuận Minsk vào năm 2014.
Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Kamala Harris đắc cử, bà có thể tiếp tục chính sách hỗ trợ Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden và đẩy Nga vào tình thế nguy hiểm hơn. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ leo thang chiến tranh, thậm chí đẩy thế giới đến gần hơn với chiến tranh hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tới Mỹ, mang theo bản “kế hoạch chiến thắng”. Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được công khai. Kiev cho biết nước này chuẩn bị kế hoạch chiến thắng sau khi Ukraine triển khai cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga. Đây là cuộc tấn công đáng kể vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II cũng như là một đòn giáng mạnh vào Điện Krenlin. Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak tiết lộ việc gia nhập NATO là một phần của kế hoạch. Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, ông Andriy Yermak cũng cho biết kế hoạch chiến thắng 5 điểm bao gồm cả các điều khoản về ngoại giao và quân sự. Bên cạnh đó, một điều khoản chắc chắn sẽ có trong kế hoạch này là việc Mỹ và các đồng minh khác chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, bao gồm cả tên lửa do phương Tây cung cấp để nhắm vào các địa điểm quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Trước đó từ lâu, Kiev luôn thúc đẩy các đồng minh dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí vì điều đó sẽ cho phép Ukraine phá hủy các sân bay quân sự mà Nga dùng để xuất phát máy bay tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng như làm suy yếu hệ thống phòng không Nga. Một điều khoản chắc chắn không có trong kế hoạch hòa bình lần này là lệnh ngừng bắn một phần. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đích thân bác bỏ thông tin này.
Phản ứng của Mỹ đối với những tiết lộ ban đầu về kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Ukraine không quá lạc quan. Dẫn lời một số quan chức Mỹ và châu Âu, Tạp chí phố Wall (WSJ) ngày 25/9 đưa tin, Nhà Trắng lo ngại kế hoạch của ông Volodymyr Zelensky thiếu chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng trước Nga. Một số quan chức nắm rõ nội dung kế hoạch cho biết kế hoạch này tập trung quá nhiều vào việc yêu cầu thêm vũ khí và dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tấn công tên lửa tầm xa. Bên cạnh đó, các quan chức Nhà Trắng còn lại lo ngại kế hoạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky không đưa ra các bước đi rõ ràng, khả thi mà ông Joe Biden có thể hỗ trợ trong 4 tháng còn lại mà ông tại vị. Các quan chức châu Âu nói rằng, các phần của kế hoạch vẫn chưa được phát triển chi tiết, trong khi chỉ có yêu cầu liên quan đến vũ khí là cụ thể nhất.