Chốn thiêng nơi vùng đất biển

Phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) là mảnh đất lưu dấu nhiều giá trị lịch sử - văn hóa cùng các di tích, lễ hội độc đáo, gắn chặt với tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng ven biển như: đền Cá Lập, đền Lộc Trung, phủ Hới, lễ hội Cầu ngư - Bơi chải... Trong đó, ngôi chùa Khải Nam và lễ hội chùa Khải Nam thể hiện sự phong phú, đa dạng, góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Chùa Khải Nam trên vùng đất biển Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).

Chùa Khải Nam trên vùng đất biển Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).

Chùa Khải Nam xưa thuộc làng Cá Lập, xã Lương Niệm, tổng Cung Thượng, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa, nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Lương Niệm có 4 làng: Làng Núi, Lương Trung, Cá Lập và làng Hới. Sách “Linh tích Sầm Sơn” của tác giả Hoàng Thăng Ngói viết: “Làng Cá Lập là làng lớn nhất trong vùng Sầm Sơn và đông dân cư nhất với các dòng họ lớn như: Trần, Trương, Võ, Nguyễn, Lê... Làng Cá Lập xưa có đủ đình, chùa, đền. Các công trình văn hóa, tín ngưỡng đều to, đẹp và linh thiêng”.

Ngôi chùa Khải Nam tọa lạc ở nơi có địa thế phong thủy “dương cơ, ái hổ”, tụ linh, tụ đức. Tên chữ của ngôi chùa mang ý nghĩa “mở rộng cửa đón chúng sinh nước Nam". Tương truyền, chùa Khải Nam có từ thời Trần, lúc đầu chùa được dựng lên bằng vật liệu tranh tre, nứa lá, vách đất và các pho tượng được làm bằng đất. Đến thời Lê Trung hưng, chùa được xây dựng quy mô hơn. Theo các cụ cao niên trong làng: Khi xây dựng lại chùa Khải Nam, các pho tượng mới đều được tạc bằng gỗ, còn các pho tượng bằng đất trước đây được các Phật tử chôn xuống đất. Vị trí chôn các pho tượng gọi chung là “mả bụt”.

Cũng như nhiều di tích khác ở nước ta, chùa Khải Nam có “số phận” thăng trầm, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, từng có thời điểm bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, hình ảnh ngôi chùa thiêng trên vùng đất biển vẫn in đậm trong ký ức nhiều thế hệ người dân trong vùng. Những cư dân vùng cửa biển luôn đau đáu ước mong có thể khôi phục lại di tích tiêu biểu, “chứng nhân” đã song hành cùng lịch sử hình thành và phát triển làng, xã. Nhằm đáp ứng nguyện vọng thiện lành ấy, các cụ cao tuổi làng Cá Lập đã kêu gọi Nhân dân, Phật tử phát tâm công đức xây dựng được một ngôi nhà tạm gần 20m2 ngay sát đền thờ Cá Lập để thờ Phật. Đến năm Giáp Tuất (1994), chùa được nâng cấp, xây dựng vững chắc, rộng rãi hơn, với diện tích khoảng 40m2. Năm 2011, ngôi chùa được xây dựng ở một vị trí mới, không xa nền cũ với diện mạo bề thế, khang trang. Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật tiêu biểu, có giá trị về mỹ thuật, điêu khắc, Hán Nôm như: tượng, hoành phi, câu đối, phù điêu...

Hằng năm, vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch, tại chùa Khải Nam, lễ hội văn hóa truyền thống chùa Khải Nam được tổ chức. Đây là lễ hội truyền thống của đất và người Quảng Tiến. Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho những chuyến ra khơi vào lộng được thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang, mùa màng bội thu... Một trong những nét đặc trưng, tiêu biểu nhất của lễ hội là nghi thức rước kiệu. Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, cờ bay lồng lộng trong gió, đoàn rước kiệu đi quanh địa bàn các phường Quảng Tiến, Quảng Cư.

Sẽ không là nói quá khi ví con đường về với vùng đất biển Quảng Tiến là con đường di tích, con đường của tín ngưỡng - tâm linh. Một vệt xuyên suốt từ ngôi đền Đề Lĩnh (làng Lương Trung, phường Trung Sơn) thờ Đường công Quang Lộc - ông tổ nghề vật làng Lương Trung; đền Bà Triều (làng Triều, phường Trung Sơn) thờ vị tổ sư nghề dệt xăm súc, dệt vải của làng Trung Sơn đến chùa Khải Nam, đền Cá Lập... phần nào khắc họa nên đời sống văn hóa - tín ngưỡng đa tầng, đa sắc diện. Sức sống của những di tích hàng trăm năm tuổi này thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các thế hệ người dân nơi này. Trên hành trình kết nối, chùa Khải Nam đã, đang và sẽ là điểm tham quan, dâng hương, vãn cảnh thu hút du khách khi về với phường Quảng Tiến nói riêng, thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn nói chung.

Bài và ảnh: Nguyên Linh

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Chùa xứ Thanh”, tập I.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chon-thieng-noi-vung-dat-bien-228071.htm
Zalo