Chọn 'mũi nhọn' để đầu tư trọng điểm

Thống trị tại đấu trường khu vực, nhưng khi bước ra 'biển lớn' thể thao Việt Nam (TTVN) lại tỏ rõ sự tụt hậu. Bằng chứng là ở sân chơi Olympic, chúng ta đã 2 kỳ liên tiếp trắng tay. Điều này đòi hỏi phải có sự đánh giá một cách nghiêm túc và đầu tư dài hạn, có trọng điểm hơn nữa cho các môn thể thao mũi nhọn.

Các hạng cân nhẹ môn cử tạ được xác định là nội dung được đầu tư trọng điểm.

Theo các chuyên gia, Olympic Paris 2024 đơn giản chỉ phản ánh thực trạng đáng buồn của TTVN nhiều năm qua. Một nền thể thao hầu như không có bất kỳ “mũi nhọn” nào, dù là nhóm các môn nhà nghề hay truyền thống. Thực tế, Việt Nam đã định hướng vươn lên ở đấu trường ASIAD và Olympic từ lâu, nhưng thành tựu đạt được rất khiêm tốn. Từ cột mốc Olympic Moscow 1980, đoàn TTVN đã có hành trình 44 năm tại thế vận hội. Trải qua 11 lần tham dự, dấu ấn chúng ta đạt được mờ nhạt với chỉ 5 huy chương (1 Huy chương Vàng duy nhất của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng).

Ngoài sự đầu tư dàn trải và không trọng điểm, TTVN còn yếu kém về cơ sở vật chất, chế độ, dinh dưỡng, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hóa thể thao hạn chế, không có sự phát triển đồng bộ và bài bản từ các cấp cơ sở, địa phương, trường học... Đây là những vấn đề được nhìn thấy rất rõ nhưng để giải quyết được lại không đơn giản vì cần sự chung tay của toàn xã hội.

Để có thành công trong tương lai gần là điều rất khó. Chính vì vậy, TTVN cần chiến lược dài hạn và đầu tư trọng điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, thay bằng tập trung nguồn lực đối với đấu trường SEA Games, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng để nhắm đến ASIAD và Olympic, sẽ có kết quả thực chất hơn. Khi đã xác định được lĩnh vực trọng điểm thì cần đầu tư đồng bộ cả về con người, cơ sở vật chất và tài chính. Riêng ở góc độ tài chính, nếu chỉ ngành thể thao mà không huy động tốt xã hội hóa thì rất khó để đáp ứng được yêu cầu.

Dựa trên khả năng thực tế, mới đây, TTVN đã định hướng trọng tâm vào một số môn trọng điểm, gồm: bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, bắn cung… Lãnh đạo ngành thể thao đặt mục tiêu có khoảng 30 tuyển thủ xuất sắc nhất được tuyển chọn để đầu tư chuyên biệt. Các gương mặt này sẽ có cơ hội tập huấn dài hạn ở nước ngoài, hướng tới là nòng cốt tranh huy chương ở các kỳ ASIAD và Olympic. Kế hoạch đã được vạch ra, điều quan trọng bây giờ là lộ trình thực hiện bài bản và trọng tâm thì mới mong thể thao nước nhà vươn tâm thế giới.

H.T

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202408/chon-mui-nhon-de-dau-tu-trong-diem-f9d2c69/
Zalo