Cho vay ngang hàng (P2P Lending) vào 'sandbox', Việt Nam học gì từ châu Á?

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng mở đường cho mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ ngày 1/7/2025. Đây là một bước tiến quan trọng, nhưng việc quản lý và kiểm soát rủi ro, đặc biệt là đảm bảo khả năng trả nợ của người vay, vẫn là thách thức lớn. Kinh nghiệm từ các thị trường châu Á đã phát triển mô hình này có thể mang lại nhiều bài học quý giá.

P2P Lending, theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), là mô hình sử dụng nền tảng trực tuyến để kết nối trực tiếp người vay với nhà đầu tư, loại bỏ vai trò trung gian của tổ chức tín dụng truyền thống. Các giao dịch vay, trả nợ được ghi nhận dưới dạng bản ghi điện tử, lưu trữ an toàn và công khai trên hệ thống của công ty vận hành nền tảng.

Tại châu Á, P2P Lending đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng, các thị trường này cũng đối mặt với thách thức lớn về quản lý rủi ro tín dụng, đặc biệt là nguy cơ vỡ nợ và bảo vệ nhà đầu tư.

Bài học từ các quốc gia đi trước

Để đối phó với những rủi ro này, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ và ban hành quy định chặt chẽ:

Hàn Quốc: Tập trung vào nâng cao khả năng đánh giá tín dụng bằng công nghệ. Các nền tảng như 8percent sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn, kể cả dữ liệu phi truyền thống (lịch sử giao dịch trực tuyến, doanh thu thương mại điện tử) để đánh giá người vay. Điều này đã giúp giảm tỷ lệ vỡ nợ đáng kể. Bên cạnh đó, luật pháp yêu cầu các nền tảng thiết lập quỹ dự phòng rủi ro, công khai tỷ lệ vỡ nợ, sử dụng tài khoản trung gian (escrow) để quản lý vốn và giới hạn khoản vay cá nhân (khoảng 36.000 USD) để tránh người vay bị quá tải nợ. Một số nền tảng còn hợp tác với công ty bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm khoản vay.

Nhật Bản: Chú trọng tính minh bạch và hợp tác với hệ thống ngân hàng truyền thống. Các nền tảng như Crowd Credit yêu cầu người vay cung cấp thông tin tài chính chi tiết và công khai tỷ lệ vỡ nợ. Họ hợp tác với ngân hàng để chia sẻ dữ liệu tín dụng, nâng cao độ chính xác thẩm định. Luật pháp Nhật Bản yêu cầu nền tảng sử dụng tài khoản escrow, cung cấp báo cáo minh bạch hàng quý và giới hạn khoản vay cá nhân ở mức thấp (khoảng 3.300 USD). Nền tảng này còn sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính minh bạch và an toàn dữ liệu, đặc biệt khi tập trung vào cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) quốc tế.

Indonesia: Thị trường P2P Lending lớn nhất Đông Nam Á (5,2 tỷ USD năm 2024) áp dụng cả biện pháp công nghệ và quy định. Các nền tảng như Investree và Amartha sử dụng AI để phân tích dữ liệu phi truyền thống (giao dịch ví điện tử, hóa đơn tiện ích) để đánh giá khả năng trả nợ của SMEs và cá nhân (nơi nhiều người không có tài khoản ngân hàng), giúp giảm tỷ lệ vỡ nợ. Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK) quy định chặt chẽ về đối tượng đi vay (công dân Indonesia cư trú tại Indonesia), giới hạn số tiền vay tối đa cho cá nhân (khoảng 160.000 USD) và yêu cầu ký kết hai thỏa thuận riêng biệt (giữa người cho vay và nền tảng, và giữa người cho vay và người đi vay).

Thái Lan: Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ đánh giá tín dụng bằng dữ liệu lớn (PeerPower sử dụng dữ liệu giao dịch ví điện tử LINE Pay), các nền tảng còn cung cấp các khóa học quản lý tài chính miễn phí cho người vay. Ngân hàng Thái Lan (BOT) yêu cầu nền tảng sử dụng tài khoản escrow, công khai tỷ lệ vỡ nợ và giới hạn khoản vay cá nhân ở mức thấp (khoảng 2.800 USD). Quy định cũng đặt ra các tiêu chí cụ thể cho người đi vay cá nhân về khả năng thanh toán và giới hạn số lần vay.

Tại Việt Nam, Nghị định 94/2025/NĐ-CP cũng đã bắt đầu đặt ra những giới hạn thử nghiệm ban đầu nhằm kiểm soát rủi ro như: công ty P2P Lending không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay, không được hoạt động với tư cách là khách hàng, không cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ. Quan trọng hơn, các nền tảng sẽ phải báo cáo dư nợ khách hàng với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và tuân thủ quy định về dư nợ tối đa theo quy định hiện hành của NHNN, nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát nợ xấu và bảo vệ hệ thống tài chính.

Việc P2P Lending chính thức được thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát là bước tiến cần thiết để Việt Nam không bỏ lỡ xu hướng phát triển của Fintech. Tuy nhiên, việc học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển, đặc biệt trong việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, ứng dụng công nghệ đánh giá tín dụng tiên tiến và nâng cao nhận thức cho cả người vay lẫn nhà đầu tư, sẽ là yếu tố then chốt để mô hình này phát triển bền vững và an toàn tại Việt Nam.

Yên Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/cho-vay-ngang-hang-p2p-lending-vao-sandbox-viet-nam-hoc-gi-tu-chau-a-82750.html
Zalo