Cho vay ngang hàng: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

Chính phủ đã chính thức cho phép thử nghiệm có kiểm soát hoạt động cho vay ngang hàng trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên lãi suất thế nào là hợp lý, rồi cơ chế bảo vệ tài sản cho người cho vay như thế nào là điều cần phải tính đến

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có cho vay ngang hàng.

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1.7. Nghị định quy định các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) được tham gia thử nghiệm bao gồm: Chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở Open API và cho vay ngang hàng.

Cho vay ngang hàng tạo nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Nhân sự kiện này, một số chuyên gia đã chia sẻ với PLO về những lợi ích mà việc thử nghiệm cho vay mang hàng mang lại cho người dân, doanh nghiệp cũng như cách thức phòng ngừa rủi ro, đảm bảo tài sản cho người cho vay tiền.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng, khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng Hà Nội, hoạt động cho vay ngang hàng được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ nhằm kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay.

Do vậy, các quốc gia có nền tảng công nghệ cao có xu hướng phát triển hoạt động cho vay ngang hàng mạnh mẽ hơn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản. Hoạt động cho vay ngang hàng mang lại nhiều lợi ích cho người đi vay, người cho vay cũng như các công ty cung ứng dịch vụ …

Việc triển khai thử nghiệm cơ chế cho vay ngang hàng được Chính Phủ đưa ra mang lai lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Do có hành lang pháp lý bảo vệ, người dân và doanh nghiệp được tăng cường khả năng tiếp cận vốn và phổ cập tài chính, thuận tiện và nhanh chóng trong quá trình đi vay và cho vay nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn và chi phí thấp.

Đối với các công ty fintech cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng, cơ chế thử nghiệm giúp loại bỏ những công ty biến tương và công ty vận hành không hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch và thúc đẩy phát triển cho các công ty fintech.

Cơ chế thử nghiệm cũng giúp Việt Nam tạo lập môi trường thử nghiệm để xây dựng, thực hiện và đánh giá trước khi vận hành chính thức nhằm hướng tới quản lý và giám sát hoạt động cho vay ngang hàng hiệu quả, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, theo quan điểm của Nguyễn Thị Thu Trang. Do vậy các quốc gia phát triển về hoạt động cho vay ngang hàng luôn thực hiện quản lý và giảm sát hoạt động này một cách chặt chẽ và hiệu quả như ban hành khung pháp lý được thể hiện qua các văn bản luật riêng biệt về cho vay ngang hàng, các điều kiện và bộ quy tắc để tham gia thị trường, công bố thông tin, giám sát hoạt động và bảo vệ người tiêu dùng.

 TS. Nguyễn Thị Thu Trang, trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng, khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng Hà Nội. Ảnh: NVCC

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng, khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trước thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam mặc dù còn mới mẻ nhưng phát triển với tốc độ nhanh chóng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong việc quản lý và giám sát hoạt động này. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng trong đó có giải pháp cho vay ngang hàng được ban hành theo Nghị định số 94/2025/NĐ-CP của Chính Phủ là hoàn toàn phù hợp và cấp thiết.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, hoạt động cho vay ngang hàng tiềm ẩn một số rủi ro đối với người cho vay như rủi ro không thu hồi được nợ khi người đi vay không trả nợ, hay thâm chí bị đánh cắp dữ liệu về thông tin, tài khoản.

Cần tính toán đến những rủi ro để đảm bảo tài sản của bên cho vay

Trưởng bộ môn Kinh doanh Ngân hàng - Học viện Ngân hàng cho rằng để hạn chế các rủi ro trên, một số giải pháp cần triển khai như yêu cầu thông tin đầy đủ và minh bạch về khả năng trả nợ và phương án sử dụng vốn vay từ phía người vay. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm khai thác dữ liệu, phân tích tín dụng sẽ hỗ trợ đánh giá chính xác hơn khả năng trả nợ của khách hàng.

Để tránh rủi ro cao, việc áp dụng giới hạn dư nợ trong hoạt động cho vay ngang hàng là biện pháp cần thiết và được áp dụng tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, các công ty cho vay ngang hàng cần đáp ứng các điều kiện về pháp lý để được cung ứng dịch vụ cho vay ngang hàng, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cho khách hàng tham gia hoạt động này.

Chung quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng bản chất của mô hình này là mang tiền lên sàn cho người lạ vay nên không nhà đầu tư nào dám làm dù lợi nhuận đầu tư có cao đến mấy. Từ đó, vấn đề đặt ra cho các công ty thử nghiệm mô hình P2P Lending là đánh giá tín nhiệm người đi vay như thế nào, ai sẽ đòi nợ, phương thức đòi nợ cũng như lãi suất cho vay ra sao.

 TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: NVCC

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, liên quan lãi suất của cho vay ngang hàng, nếu áp dụng "lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản" thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư tham gia mô hình này.

Chính vì vậy, có thể áp dụng lãi vay bằng lãi vay tín chấp mà các ngân hàng đang áp dụng, khoảng 28%/năm. Tuy nhiên để mô hình này thử nghiệm thành công thì sẽ cần thêm một bên thứ ba là công ty bảo hiểm khoản vay. Khi đó những khoản đầu tư này sẽ không bị mất nhưng cũng đồng nghĩa nhà đầu tư phải chia sẻ lợi nhuận khoản vay cho họ.

Đối với lãi suất cho vay, chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể để những người tham gia mô hình này không phải vay với lãi suất quá cao. Lãi suất cho vay theo luật Dân sự, tối đa hiện nay không được trên 20%/năm. Trên thực tế những nhà đầu tư trên app có mức khá cao nên cần có quy định về vấn đề này. Không chỉ vậy cơ chế đòi nợ cũng nên được công khai và thực hiện nghiêm túc để nhà đầu tư yên tâm tham gia.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-vay-ngang-hang-lai-suat-bao-nhieu-la-hop-ly-post848440.html
Zalo