Chợ truyền thống loay hoay tìm lại sức hút
Từng là nơi giao thương sầm uất song nhiều chợ truyền thống ở TP Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung đang dần rơi vào tình trạng 'chết yểu'
Chợ Đồng Xuân ở quận Hoàn Kiếm là một trong những chợ lớn nhất khu phố cổ Hà Nội. Có lịch sử tồn tại hàng trăm năm song chợ này đang phải loay hoay tìm lối ra.
Ế ẩm, đìu hiu
Cận Tết Ất Tỵ 2025, chợ Đồng Xuân có vẻ nhộn nhịp hơn, đón nhiều đoàn khách nước ngoài hơn song thời kỳ làm ăn phát đạt có lẽ chỉ còn trong ký ức của nhiều tiểu thương buôn bán mấy chục năm ở đây. Chị Huệ Trang, buôn bán đồ gia dụng, cho hay khách nước ngoài chủ yếu đến tham quan, trong khi khách người Việt ghé chợ ngày càng ít.
Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra ở nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội. Đại diện Ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở cho hay chợ có hơn 700 tiểu thương ký hợp đồng thuê quầy sạp nhưng giờ chỉ còn 150-160, lượng hàng bán ra ngày càng chậm. Nhiều thời điểm, bãi gửi xe ở chợ có tới hàng chục người trông, nay chỉ còn 1.
Các chợ đầu mối ở Hà Nội cũng đìu hiu không kém. Tại chợ đầu mối Ninh Hiệp ở huyện Gia Lâm, hàng loạt ki-ốt liên tục treo biển cho thuê, sang nhượng. Nhiều tiểu thương cho hay đang tính đổi nghề vì mỗi ngày buôn bán ở chợ kiếm 100.000 - 200.000 đồng cũng khó.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, kiểm tra tình hình thị trường cho thấy tình trạng cửa hàng, cửa hiệu ở các chợ đóng cửa, tìm người thuê ngày càng nhiều. "Tới chợ Ninh Hiệp, chúng tôi thấy vắng hoe, mới 14 giờ mà nhiều tiểu thương đã đóng cửa. Chợ Đồng Xuân cũng vậy" - ông dẫn chứng, đồng thời cho rằng nguyên nhân là do nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng online.
Không chỉ Hà Nội, tình trạng chợ ế ẩm, đìu hiu cũng diễn ra ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, ở Nghệ An, năm 2010, chợ Vinh được xây lại khang trang song số ki-ốt dừng hoạt động không ngừng gia tăng. Theo ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng Ban Quản lý chợ Vinh, sau đại dịch COVID-19 đến nay, người dân đến chợ này mua sắm ít dần.
Nâng sức cạnh tranh
Thống kê cho thấy nước ta hiện có 9.000 chợ truyền thống, trong đó Hà Nội khoảng 540 chợ. Việc tìm lối ra cho chợ truyền thống luôn được các địa phương quan tâm, chú trọng.
Vừa qua, một số chợ truyền thống tại TP Hà Nội đã nỗ lực tìm cách tự cứu, đơn cử là chợ Mơ ở quận Hai Bà Trưng. Đây là một trong những ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội. Năm 2008, chợ truyền thống được di dời sang khu vực tạm, nhường chỗ cho dự án xây dựng khu trung tâm thương mại. Đến năm 2014, chợ Mơ được đưa lại vị trí cũ nhưng bố trí ở tầng hầm, bên dưới một tòa nhà 15 tầng.
Bà Nguyễn Hữu Ái Thu, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Hai Bà Trưng, nhớ lại: Khi "chuyển xuống lòng đất", thời gian đầu chợ Mơ rất vắng do người dân có thói quen đi xe máy tới từng gian hàng mua sắm. Cán bộ - nhân viên của chợ đã chú trọng tìm cách thu hút khách hàng, triển khai thực hiện thanh toán không tìm tiền mặt... Đến nay, chợ Mơ được nhiều người biết đến như là "thiên đường ẩm thực" với nhiều món ăn ngon, đặc trưng của Hà Nội.
Số liệu khảo sát cho thấy trung bình mỗi tháng, 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần. Nước ta có gần 100 triệu dân, lại gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN…, tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất lớn. Vì vậy, việc hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống chuyển sang buôn bán online là rất cần thiết.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử - nhất là các sàn xuyên biên giới giao hàng nhanh, sản phẩm được bán giá rẻ - đã thu hút đông đảo người tiêu dùng. Hệ lụy là nhiều chợ truyền thống trở nên ế ẩm, hàng loạt quầy, sạp đóng cửa vì không đủ sức cạnh tranh. Theo thời gian, thương mại điện tử lấn dần thị phần chợ truyền thống.
Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống. Nhiều hộ tiểu thương được tập huấn làm quen với môi trường kinh doanh online, đưa hàng hóa lên mạng xã hội... "Chúng tôi hỗ trợ tiểu thương thông qua việc triển khai nền tảng đào tạo trực tuyến về cách thức kinh doanh online bằng các video hướng dẫn ngắn 2-3 phút" - ông Tuấn cho hay.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) TP Hà Nội, nhấn mạnh chợ truyền thống cần phải thay đổi nhiều để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng hóa ở chợ truyền thống phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ, giá cả được niêm yết rõ ràng. Ông Phú dẫn chứng tại Singapore, hàng hóa ở chợ truyền thống phải niêm yết giá cụ thể, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Đây là cách xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia thị trường nhìn nhận chợ truyền thống ngày nay thiếu sức hấp dẫn còn do cơ sở vật chất xuống cấp. Vì vậy, chợ cần được cải tạo, sửa chữa, gắn với phát triển du lịch hay các sản phẩm thế mạnh. Chẳng hạn, với lợi thế thường xuyên được du khách ghé tham quan, chợ Đồng Xuân cần chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng, độc đáo, phù hợp để "buộc" họ phải bỏ tiền mua sắm.
Việc cạnh tranh giữa chợ truyền thống, chợ đầu mối với các sàn thương mại điện tử và siêu thị, cửa hàng tiện lợi là chuyện tất yếu. Để khôi phục, duy trì sức hút, các chợ truyền thống cần phải không ngừng cải thiện dịch vụ khách hàng, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Hà Nội dự kiến xây mới, xây lại 34 chợ
Theo kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn vừa được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 5-12-2024, năm 2025, thành phố dự kiến đầu tư xây mới, xây lại 34 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh nâng cấp, cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa. Qua đó, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn; người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa giá rẻ, bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời kết nối các tour, tuyến để du khách có thể tham quan, trải nghiệm đời sống văn hóa tại các chợ. Theo ông Quyền, chẳng hạn chợ Đồng Xuân cần nghiên cứu đưa sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào phục vụ khách du lịch.