'Cho tôi hôn cờ Đảng lần cuối!'

'Vãng ơi! Cho tôi hôn cờ Đảng lần cuối! Đừng bỏ nhiệm vụ, hãy vì đồng bào miền Nam nhé!'-câu nói cuối cùng của đồng chí Hoàng Lộc, Đội trưởng Đội phá bom cảm tử, Đại đội xung kích Thăng Long 343 (đường 10-Đông Trường Sơn) với đồng đội trên chiến trường khiến ai nghe cũng xúc động trào dâng. Xúc động bởi cận kề cái chết nhưng anh vẫn hướng về miền Nam ruột thịt. Trào dâng cảm xúc khi mới một tuổi Đảng, 22 tuổi đời nhưng trong trái tim, huyết quản của người đảng viên trẻ ấy vẫn một lòng kiên trung với Đảng, hướng về Đảng bằng một tình yêu và niềm tin mãnh liệt.

Người cán bộ đoàn nhiệt huyết, đa tài

Phố Hào Nam (Hà Nội) những ngày tháng Tư. Khi cả nước tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Cao Vãng, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam bồi hồi, xúc động nhớ về những ngày tháng ở tuyến lửa miền Trung cùng đồng chí Hoàng Lộc.

 Tác giả viếng mộ Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hoàng Lộc. Ảnh: MINH ANH

Tác giả viếng mộ Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hoàng Lộc. Ảnh: MINH ANH

Ông Nguyễn Cao Vãng nhớ lại: “Năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng quy mô cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, hưởng ứng Phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Hà Nội, hàng nghìn thanh niên Hà Nội đã xung phong vào “tuyến lửa” Khu 4, trong đó có đồng chí Hoàng Lộc. Hiện tại, căn nhà số 46 phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi Lộc sinh ra và lớn lên, gia đình đã nhượng cho người khác, thân nhân cơ bản định cư ở xa Hà Nội. Sự anh dũng hy sinh của đồng chí Hoàng Lộc ở chiến trường, tôi kể lại cũng không sao. Nhưng muốn khách quan hơn, cháu nên khai thác thêm tư liệu trong Hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tìm đọc cuốn sách “Những tấm gương anh hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam”, Nhà xuất bản Thanh niên, tháng 7-2015”.

Được ông gợi ý, tôi tìm về trụ sở Hội Cựu TNXP Việt Nam để tiếp cận thêm nguồn tư liệu. Lật giở từng trang hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với liệt sĩ Hoàng Lộc, tôi như được thấy cả một thời sôi nổi, nhiệt huyết vì Tổ quốc của thế hệ các anh. Tháng 7-1965, đồng chí Hoàng Lộc gác lại giấy báo nhập học đại học để cùng gần 1.500 nam, nữ thanh niên "3 sẵn sàng" của Hà Nội tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước, thuộc Đại đội 816, Đội TNXP N43 đi làm nhiệm vụ ở tuyến lửa Khu 4-nơi đang có chiến sự ác liệt.

Sống giữa những làn mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng với đồng chí Hoàng Lộc và biết bao TNXP khác, đó mới thực sự là những ngày đáng sống. Còn gì đẹp hơn, vinh quang hơn, thiêng liêng hơn của tuổi trẻ khi được góp sức mình cho sự nghiệp thống nhất non sông. Từ tinh thần ấy, vốn là người thông minh, dũng cảm, đồng chí Hoàng Lộc không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn mang hết tinh thần và sức lực của mình phục vụ nhiệm vụ mở đường chiến lược.

Đồng chí có nhiều sáng kiến, gây dựng nhiều phong trào tốt góp phần khắc phục khó khăn để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời khơi dậy, khích lệ tinh thần trong lực lượng TNXP nơi chiến trường ác liệt, như: Khi phải thi công cống ngầm, đồng chí Hoàng Lộc cùng tiểu đội vào rừng sâu chặt cây mây về làm tời lắp ống cống, hay để vận chuyển đá từ trên đồi cao xuống, anh cùng tiểu đội nghiên cứu sáng chế ra những chiếc xe đạp thồ hoàn toàn bằng gỗ để chở đá, cho năng suất gấp 5-6 lần sức người gánh. Chính vì vậy, Tiểu đội 2 do Hoàng Lộc phụ trách luôn dẫn đầu về năng suất lao động và có những đóng góp to lớn giúp Đại đội 816 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các tuyến đường 15A, 21A, 22A.

Năm 1966, Hoàng Lộc được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn của Đại đội 816. Giữa nơi rừng thiêng, nước độc, đói, rét, hy sinh và những cơn sốt rét hoành hành, Bí thư chi đoàn Hoàng Lộc vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Anh tổ chức các lớp học văn hóa, trong đó anh cũng là một giáo viên dạy toán lớp 7. Đồng chí còn sáng tác nhiều bài thơ, vở kịch, bài hát, đặc biệt bài “Hạnh phúc thanh niên xung phong” đã trở thành bài hát chung của thế hệ TNXP chống Mỹ, cứu nước Hà Nội thời kỳ ấy. Lòng nhiệt huyết cách mạng của đồng chí đã được tổ chức ghi nhận, tháng 1-1967, Hoàng Lộc vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bữa cơm cuối cùng với đồng đội

Tôi trở lại tìm gặp ông Nguyễn Cao Vãng, người đồng đội chứng kiến giờ phút cuối cùng của đồng chí Hoàng Lộc. Năm tháng lặng lẽ qua đi nhưng ký ức hào hùng nơi tuyến lửa Khu 4 vẫn chưa ngày nào bị lãng quên trong trí nhớ của người cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng. Ông Vãng nhớ lại: “Năm 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt, Đội TNXP N43 được lựa chọn một đại đội gồm những TNXP ưu tú, dũng cảm nhất để thành lập Đại đội xung kích Thăng Long 343, tiến sâu vào phía trong mở đường 20-7 (Đường 10-Đông Trường Sơn). Đội có nhiệm vụ thi công tuyến đường huyết mạch bên vách Long Đại, là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của máy bay địch. Tôi và đồng chí Hoàng Lộc cùng được lựa chọn vào Đại đội. Đồng chí Hoàng Lộc được Đại đội tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn”.

Ngược dòng lịch sử, thời kỳ đầu năm 1968, khi phát hiện ra con đường 20-7, nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng ném bom xuống con đường với hàng nghìn quả bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi, bom lá. Các đơn vị TNXP vừa sửa đường, vừa phá bom, bảo đảm cho giao thông thông suốt, các đoàn xe nối đuôi nhau vào tiền tuyến. Để bảo đảm giao thông không bị tắc nghẽn bởi bom đạn của kẻ thù, đồng chí Hoàng Lộc đề xuất thành lập Đội phá bom cảm tử do anh làm Đội trưởng.

Khâm phục các anh biết nhường nào! Nếu ở Đại đội xung kích Thăng Long 343, Hoàng Lộc cùng các đồng đội đã là những người ưu tú nhất, dũng cảm nhất thì giờ đây, Đội phá bom cảm tử do anh đề xuất và đích thân làm Đội trưởng là tập hợp những con người “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đội phá bom cảm tử nghĩa là các anh phải hằng ngày đối diện với sự hy sinh, mất mát, xem cái chết vì miền Nam ruột thịt là vinh quang của đời người. Cho nên, dẫu mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần đơn vị, đồng đội lặng lẽ tổ chức “truy điệu sống” các anh nhưng không ai lùi bước, ai cũng xung phong được đi trước, đi đầu, phá thật nhiều bom của kẻ thù. Lòng quả cảm, chí bền, gan thép ấy đáng được lưu truyền cho hậu thế mai sau.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên cung đường phụ trách, Đội trưởng Đội phá bom cảm tử Hoàng Lộc cùng các thành viên trong đội đã bám đường và phá hơn 6.000 quả bom các loại. Riêng anh đã phá được gần 2.000 quả bom các loại.

Kẻ thù tiếp tục điên cuồng trút mưa bom xuống con đường Đông Trường Sơn, từng đoàn xe nối đuôi nhau nằm dài chờ thông tuyến, ông Nguyễn Cao Vãng cho biết: “Sau nhiều ngày phá bom, nằm rừng, anh em trong đội cơ bản ốm, mệt. Ngày 8-10-1968, tôi đang nghỉ trưa thì Hoàng Lộc đến gọi: Vãng ơi! Đi ra tuyến phá bom thôi. Rồi Lộc nói với đồng chí nuôi quân xem còn gì nấu cho anh em bữa cơm tươm tất, trước khi vào trận. Bữa cơm hôm đó, chỉ có ít bí đỏ và thịt hộp, rau tàu bay, Hoàng Lộc cùng tôi và một đồng chí tăng cường ở đơn vị khác đến, ăn vội để lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi không nghĩ đó là bữa cơm cuối cùng được ăn chung với người đội trưởng Hoàng Lộc”.

Di ảnh đồng chí Hoàng Lộc.

Di ảnh đồng chí Hoàng Lộc.

Đồng chí Hoàng Lộc sinh ngày 20-12-1946; nguyên quán: Ý Yên-Nam Định; trú quán: Phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội); nguyên Đội trưởng Đội phá bom cảm tử, Đại đội xung kích Thăng Long 343; hy sinh: Ngày 8-10-1968. Năm 2009, đồng chí được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Cơm nước vội vàng, 3 chiến sĩ của Đội phá bom cảm tử do Hoàng Lộc đi đầu với những tấm lá chắn tự tạo để che thân, dùng những cây sào dài 5m móc vào dây kíp giật cho bom nổ, lặng lẽ tiến vào “vùng đất chết” dày đặc bom đạn của quân thù. 4 quả bom lần lượt phát nổ, đến quả thứ 5 thì dây kíp đứt, nhanh như cắt, Hoàng Lộc lao tới chụp lấy trái bom ném thẳng xuống vực. Quả thứ 6, rồi thứ 7... đúng lúc Hoàng Lộc tiến lại thì một tiếng nổ như xé bên tai vang lên, đất, đá, lá cây bắn tứ tung. “Tôi lau mặt nhìn sang thấy một đồng chí bị thương kêu lên: Anh Vãng ơi, tôi bị thương vào mắt rồi! Tôi nhìn thấy Lộc người đen xám, máu chảy đầm đìa, trước khi hy sinh, anh cố ngước mắt nhìn tôi nói: “Vãng ơi! Cho tôi hôn cờ Đảng lần cuối! Đừng bỏ nhiệm vụ, hãy vì đồng bào miền Nam nhé!”, ông Nguyễn Cao Vãng kể trong niềm xúc động.

Hoàng Lộc đã ngã xuống khi mới một tuổi Đảng và 22 tuổi đời nhưng tấm gương và sự kiên trung của người thanh niên trẻ đã khẳng định cho chúng ta một điều: Trong hiểm nguy, gian khổ, khi đối mặt với quân thù, Đảng không ở đâu xa với người chiến sĩ, mà Đảng lúc nào cũng nằm trọn trong trái tim, khối óc của họ. Đảng là nguồn động viên, khích lệ họ vượt lên những hiểm nguy, chấp nhận hy sinh để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng ta và cả dân tộc đang hướng tới là giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Ngày hôm sau, tôi đến viếng mộ anh ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội. Đặt lên mộ một cành cúc trắng, nhìn tấm di ảnh của anh còn quá trẻ, tôi chắp tay khấn vọng: Anh Hoàng Lộc ơi! Thanh xuân của anh dừng lại ở tuổi 22 cùng với biết bao người con ưu tú của dân tộc để cho thanh xuân của Tổ quốc mãi mãi rạng ngời. Hôm nay, đất nước đang bước vào những mùa xuân khát vọng vươn mình của cả dân tộc và mỗi chặng đường phát triển, Tổ quốc và nhân dân sẽ mãi mãi không quên những hy sinh anh dũng của anh cùng đồng đội.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/cho-toi-hon-co-dang-lan-cuoi-824595
Zalo