Chợ tiền tỷ vẫn 'đắp chiếu'

Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều chợ được xây dựng hàng tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang, trong khi các tiểu thương lại chọn buôn bán trong cảnh nhếch nhác gây mất mỹ quan, thậm chí nhiều nơi tiểu thương còn tràn ra đường kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chợ Đồng Tâm trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú là một ví dụ. Dù chính quyền địa phương đầu tư gần 3,2 tỷ đồng để xây dựng chợ khá khang trang, kiên cố, tuy nhiên, 20 năm kể từ khi công trình hoàn thành, đến nay vẫn đang bỏ hoang, nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí.

Chợ Đồng Tâm được đầu tư xây dựng gần 3,2 tỷ đồng nhưng bỏ hoang do không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh gây lãng phí

Chợ Đồng Tâm được đầu tư xây dựng gần 3,2 tỷ đồng nhưng bỏ hoang do không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh gây lãng phí

Nhiều bất cập

Chợ Đồng Tâm cách QL14 khoảng 80m, được đầu tư xây dựng từ năm 2005 với diện tích khoảng 1,2 ha, kinh phí 3,45 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Công trình được thiết kế gồm nhà lồng xây dựng khá kiên cố, cột, kèo, xà gồ bằng sắt, tường xây gạch, tô xi măng; nền có kết cấu bằng bê tông và các hạng mục công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, đài nước, bãi để xe… với diện tích khoảng 1.200m2. Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, chợ Đồng Tâm gần như chỉ “đắp chiếu” vì không có tiểu thương vào buôn bán. Hiện khu vực cổng chợ chỉ có một số hộ dân buôn bán rau, củ, quả…

Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương kinh doanh phía trước chợ Đồng Tâm, cho biết: Trước đây, khi chợ Đồng Tâm mới đưa vào sử dụng, tiểu thương cũng có tham gia họp chợ. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, mọi người lại bỏ ra ngoài kinh doanh. Từ đó tới nay, chợ bỏ hoang, các công trình trong chợ xuống cấp, rất lãng phí. Lý do tiểu thương bỏ ra ngoài vì kinh doanh trong chợ không có người vào mua.

Nhà ở sát chợ Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Hoa cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới việc chợ xây mới khang trang nhưng không có tiểu thương vào kinh doanh là do chợ cách xa trục đường, thiết kế không hợp lý, vị trí không phù hợp vì dân cư ở đây thưa, sức mua yếu, dẫn đến hàng hóa ế. “Điểm bất hợp lý nhất là bậc thềm lên chợ xây quá cao. Muốn vào chợ phải bước lên 9 bậc thềm, những người lớn tuổi như tôi đi lên hết số bậc thang là hết hơi còn mua bán gì được nữa” - bà Hoa chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, sau thời gian dài không sử dụng, chợ Đồng Tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều mảng tường bị bong tróc, nứt lòi cả lõi thép ra ngoài. Hệ thống mái che bị gỉ sét, nền nhà bị bong tróc, các cửa cuốn bị hư hỏng gần hết, hệ thống bóng đèn bị kẻ gian lấy hết. Xung quanh chợ cỏ mọc um tùm.

Một hộ dân sinh sống gần chợ cho biết, chợ này đã bỏ hoang nhiều năm nay vì không có tiểu thương. Lâu nay người dân ở đây tận dụng nhà lồng chợ để tổ chức đám tiệc.

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, một số hạng mục của chợ đã xuống cấp nghiêm trọng

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, một số hạng mục của chợ đã xuống cấp nghiêm trọng

Cần khảo sát ý kiến người dân trước khi xây chợ

Liên quan đến việc chợ Đồng Tâm được đầu tư tiền tỷ nhưng không phát huy hiệu quả, ông Phạm Xuân Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do khu vực đặt chợ xa trung tâm, dân cư sinh sống thưa. Toàn xã Đồng Tâm chỉ có 2.047 hộ, với hơn 7.800 người. Trong khi người dân ở đây chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp, nên thường tự túc chăn nuôi gà, vịt, heo; tự trồng các loại rau, củ, quả để phục vụ gia đình. Có chăng người dân đến chợ chỉ để mua mắm, muối, những mặt hàng không thể tự sản xuất được, thành ra sức mua hạn chế, nhu cầu trao đổi hàng hóa thiết yếu của người dân ở khu vực này rất thấp. Một nguyên nhân nữa khiến tiểu thương không mặn mà kinh doanh tại chợ Đồng Tâm ngay từ khi mới hình thành là do chợ thiết kế không phù hợp. Chợ xây dựng xa trục đường, nhà lồng thiết kế quá cao, rất bất tiện. Thời gian tới, UBND huyện đưa tổ chức đấu giá theo hình thức xã hội hóa.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng chợ Đồng Tâm, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số chợ được đầu tư xây dựng khang trang, như chợ Tân Thành (TP. Đồng Xoài), chợ Thành Tâm (TX. Chơn Thành)… bỏ hoang không hoạt động, điều này không chỉ gây lãng phí về tài nguyên đất mà còn lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Có thể nói, việc đầu tư xây dựng chợ là một trong những hạng mục quan trọng để phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau nên một số chợ dù được đầu tư xây dựng khang trang nhưng vẫn không được người dân đồng tình, ủng hộ, đành “đắp chiếu”. Phải chăng khi đầu tư xây dựng chợ, chính quyền chưa làm tốt công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người dân, hộ tiểu thương và các sở, ngành chức năng, dẫn đến địa điểm, thiết kế, quy mô và nhu cầu xây dựng không phù hợp?.

Để hạn chế tình trạng chợ xây dựng xong rồi bỏ không, gây lãng phí vốn đầu tư, quỹ đất công, chính quyền các cấp và cơ quan liên quan cần phối hợp khảo sát kỹ việc xây dựng chợ gắn liền với đời sống người dân trong khu vực. Ngoài ra, cần có quy chế gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy hoạch, xây dựng và đưa chợ vào hoạt động.

Khu vực nhà lồng được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng vắng bóng tiểu thương

Khu vực nhà lồng được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng vắng bóng tiểu thương

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/169004/cho-tien-ty-van-dap-chieu
Zalo