Thị trường Tết Ất Tỵ tại Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, không có tăng giá đột biến

Dạo qua các chợ truyền thống ở Hà Nội, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, các loại thịt gia súc gia cầm, rau xanh, hoa quả… hàng hóa dồi dào, giá cả không có tăng đột biến.

Các siêu thị ở Hà Nội bày bán đa dạng các mặt hàng bánh, mứt, kẹo phục vụ Tết. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Các siêu thị ở Hà Nội bày bán đa dạng các mặt hàng bánh, mứt, kẹo phục vụ Tết. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Ngày 27/1 (tức 28 tháng Chạp âm lịch) thị trường hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn Hà Nội nhìn chung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, sức mua tăng mạnh nhưng không có hiện tượng găm hàng thổi giá.

Dạo qua các chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, chợ Nguyễn Công Trứ, mùng 8/3, Trại Găng (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Thành Công (quận Ba Đình), Kim Liên (quận Đống Đa), chợ Xuân La (quận Tây Hồ), … các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, các loại thịt gia súc gia cầm, rau xanh, hoa quả… hàng hóa dồi dào, giá cả không có tăng đột biến so với ngày thường.

Cụ thể, giá rau xanh dưa chuột từ 13.000-15.000 đồng/kg, xà lách 20.000-25.000 đồng/kg, bắp cải 10.000-15.000 đồng/kg, cà chua 18.000-20.000 đồng, su hào 4.000-5.000 đồng/củ, cà rốt 2.000-3.000 đồng/củ, súp lơ xanh 5.000-10.000 đồng/cái; súp lơ trắng 10.000-15.000 đồng/cái, khoai tây 12.000-15.000 đồng/kg… Các loại rau gia vị như thơm láng, thơm bạc hà, rau mùi, tía tô, kinh giới… cũng chỉ có giá từ 3.000-5.000 đồng/mớ.

Theo bác Nguyễn Thị Nụ, tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ, bình thường mọi năm vào dịp Tết, trời rét đậm kèm theo sương muối khiến rau xanh không lên được nên giá rau xanh, nhất là rau gia vị những ngày này thường rất đắt. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, ấm áp, rau xanh lên tốt nên nguồn cung dồi dào, giá cả các mặt hàng rau xanh không tăng giá, thậm chí còn rẻ hơn so với ngày thường.

Không chỉ có rau xanh giá cả ổn định, ngay các mặt thực phẩm tươi sống, thịt gia súc gia cầm giá chỉ tăng có 10.000 đồng so với ngày thường. Cụ thể gà trống để thắp hương giá từ 120.000-140.000 đồng/kg, thịt bò từ 250.000-300.000 đồng/kg, thịt lợn 110.000-130.000 đồng/kg, tôm từ 250.000-350.000 đồng/kg, mực 250.000-350.000 đồng/kg, cá trắm 60.000-90.000 đồng/kg, cá chép 60.000-70.000 đồng/kg…

Riêng mặt hàng hoa quả tươi giá có tăng mạnh, cụ thể như thanh long giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, chuối xanh tăng lên 120.000-180.000 đồng/nải, thậm chí nải quả lẻ còn lên tới 350.000 đồng-400.000 đồng/nải, na 160.000-180.000 đồng/kg, dưa lưới 65.000-75.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000-35.000 đồng/kg, cam canh 75.000-80.000 đồng/kg, cherry Chile lên 250.000-450.000 đồng/kg, quýt Sài Gòn từ 55.000-60.000 đồng/kg.

Chị Vũ Thị Hương, chủ sạp hoa quả tại chợ Trại Găng (quận Hai Bà Trưng-Hà Nội) cho biết, năm nay không có ngày 30 Tết nên ngày mai 29 Tết cũng là ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn, hôm nay mọi người đi mua sắm rất đông. Ngay từ 6 giờ sáng cửa hàng chị đã đông khách đến mua và nhận hàng đặt. Hoa quả hôm nay có đắt hơn hôm qua khoảng 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại nhưng bù lại hoa quả rất tươi, ngon nên nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận và chọn lấy hàng ngày hôm nay.

Theo chị Đào Kim Thủy, ở phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bây giờ các chợ truyền thống cũng như siêu thị đều mở cửa bán hàng sớm, ngay từ mùng 2 Tết chợ đã mở nên mọi người không còn đi mua đồ tích trữ như trước nữa. Đi chợ ngày Tết nhưng chị Thủy cho rằng giá cả không tăng, hàng hóa dồi dào, phong phú và nếu có tăng cũng không đáng kể, chỉ nhích lên đôi chút có thể chấp nhận được.

Nhìn chung, giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ tại các chợ truyền thống nhưng ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, nhiều mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Giá hoa đào năm nay tăng do ảnh hưởng của bão Yagi, nguồn đào từ Nhật Tân không nhiều tuy nhiên giá bán cũng không quá cao như dự báo, vì nguồn cung đào từ các địa phương khác được đưa về Hà Nội khá nhiều, với giá cả hợp lý để người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Nguyễn Việt Trung, chủ vườn đào Nhật Tân quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, năm nay đào nhỏ để cắm trên ban thờ người dân mua rất nhiều, giá khoảng từ 300.000-600.000 đồng/cành tùy loại. Hiện tại, vườn đào của ông đã được khách đặt mua hết. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều chủ vườn đào bị hỏng nên đào Nhật Tân năm nay cũng ít hơn so với mọi năm và cũng đẹp như người trồng kỳ vọng. Mặc dù vậy, đào Nhật Tân vẫn có một vẻ đẹp riêng nên nhiều người vẫn thích mua đào Nhật Tân về trưng trong mấy ngày Tết.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày này, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay: Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã cam kết với Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô đón Tết và giá cả ổn định, không tăng giá.

Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-tet-at-ty-tai-ha-noi-hang-hoa-doi-dao-khong-co-tang-gia-dot-bien-post1009562.vnp
Zalo