Cho phép NH thương mại được bán bảo hiểm liên kết đầu tư

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng đề xuất quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư. Nhưng Thông tư 34/2024/TT-NHNN mới được ban hành đã không còn quy định nội dung này.

NHNN mới đây đã ban hành Thông tư số 34/2024/TT-NHNN quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.

Thông tư này thay thế cho Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Theo quy định mới tại Điều 14, Thông tư 34 về hoạt động đại lý bảo hiểm: "Khi Giấy phép mà NHNN cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật liên quan".

Như vậy, NHNN vẫn cho phép ngân hàng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thay vì cấm hẳn như dự kiến ban đầu.

Trước đó, khi lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 40/2011/TT-NHNN, NHNN đã đề xuất ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị).

Cụ thể, hồi tháng 3/2024, NHNN công bố Dự thảo Thông tư với đề xuất sẽ cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư.

Dự thảo nêu: Khi Giấy phép mà NHNN cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.

Nội dung này trong Dự thảo đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như ngân hàng.

Một số ý kiến cho rằng, nội dung này là chưa phù hợp với các quy định về pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo xem xét vẫn cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở ban hành các quy trình nội bộ để triển khai tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và Khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng 2024.

Sau khi xem xét các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… đã loại bỏ quy định: Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư…

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dành 17 điều (từ Điều 97 đến Điều 113) quy định về bảo hiểm liên kết đầu tư và Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 của Bộ Tài chính cũng có nhiều quy định cụ thể đối với việc bán dòng sản phẩm bảo hiểm này.

Chẳng hạn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Khoản 5 Điều 15 Luật các TCTD quy định: Nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhiều ý kiến đề xuất nên có bắt buộc công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Việc kiểm soát chỉ số này mới là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chất lượng hoạt động của kênh bán qua ngân hàng, bởi nếu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai không cao nghĩa là nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vẫn bị “ép” mua.

Minh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-duoc-ban-bao-hiem-lien-ket-dau-tu-d113348.html
Zalo