Quỹ ngoại Hà Lan rót hơn 25 triệu USD vào một doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Ngày 15/8, CTCP Phúc Sinh công bố nhận khoản tài trợ vốn dài hạn lên đến 25 triệu USD từ quỹ &Green, Hà Lan.

Phúc Sinh và &Green công bố khoản tài trợ 25 triệu USD. Ảnh: Phúc Sinh

Phúc Sinh và &Green công bố khoản tài trợ 25 triệu USD. Ảnh: Phúc Sinh

Phúc Sinh là công ty đầu tiên của Việt Nam được quỹ &Green đầu tư. Phát biểu tại buổi công bố, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Phúc Sinh cho biết, với số vốn này, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển bền vững, đặc biệt trong chuyển đổi ngành nông nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn này để xây nhà máy tại Đăk Lăk, tái đầu tư các nhà máy sản xuất cũ... Đặc biệt là làm dự án cà phê hòa tan sấy lạnh (28 - 30 triệu USD).

CTCP Phúc Sinh thành lập năm 2001, các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang 102 quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2023, Phúc Sinh đứng vị trí số một trong top 20 doanh nghiệp xuất khẩu gia vị (chủ lực là hồ tiêu) Việt Nam lớn nhất vào châu Âu với hơn 15% thị phần.

Về quỹ &Green, quỹ ngoại này được quản lý bởi SAIL Investments có trụ sở tại Hà Lan. Quỹ &Green tài trợ cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp sang các chuỗi cung ứng thực phẩm và nông nghiệp bền vững, không tàn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học.

Quỹ này nhắm đến các ngành có liên quan, tác động đến sự suy giảm rừng như dầu cọ, đậu nành, protein động vật và lâm nghiệp….

Quỹ ngoại Hà Lan rót vốn vào doanh nghiệp Việt trong bối cảnh EU ngày càng đưa ra nhiều hơn các yêu cầu “xanh” đến nhà xuất khẩu, trong đó nổi bật là Quy định chống phá rừng (EUDR). EUDR có hiệu lực vào ngày 29/6/2023 và cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Tại Việt Nam, ba nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê.

Mục tiêu của EUDR nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng.

Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…

Các doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có 24 tháng để chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu của EUDR tính từ thời điểm quy định này có hiệu lực.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quy-ngoai-ha-lan-rot-hon-25-trieu-usd-vao-mot-doanh-nghiep-nong-nghiep-viet-nam-32464.html
Zalo