Cho phép ngân sách cấp xã được ứng trước dự toán năm sau
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, Quốc hội khóa XV nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép ứng trước dự toán về chi thường xuyên; ngân sách cấp xã được ứng trước dự toán năm sau…

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 14/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức 2 con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dự thảo Luật có 7 chương, gồm 76 điều.
Sửa đổi, hoàn thiện 13 nội dung
Cụ thể, có 13 nội dung sửa đổi, hoàn thiện, gồm: Quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành; Bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%; Quy định thời gian phải hoàn trả tạm ứng cho Quỹ dự trữ tài chính trong vòng 12 tháng kể từ ngày tạm ứng; Bổ sung thêm đối tượng thực hiện công khai đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hình thức công khai trên mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; Sửa đổi, bổ sung về căn cứ lập dự toán NSNN để đảm bảo bao quát đầy đủ các nguồn thu và sửa đổi, bổ sung làm rõ yêu cầu lập dự toán chi thường xuyên;

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Bổ sung quy định trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách lập dự toán thu, chi ngân sách trong phạm vi nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm về hồ sơ, số liệu đã báo cáo đơn vị dự toán ngân sách cấp trên trực tiếp; đơn vị dự toán cấp I tổng hợp và chịu trách nhiệm về hồ sơ, số liệu báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp; Sửa đổi, bổ sung nội dung kiểm tra phân bổ và giao dự toán NSNN của cơ quan tài chính và bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước và đơn vị dự toán cấp I; Sửa đổi, bổ sung về quy trình, trách nhiệm của các cơ quan trong việc phân bổ và giao dự toán bổ sung;
Sửa đổi, bổ sung để phân định thẩm quyền điều chỉnh dự toán NSNN của các cơ quan: Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương; Sửa đổi, bổ sung để quy định trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; trách nhiệm của cơ quan Kho bạc Nhà nước trong việc thanh toán chi NSNN; Quy định trách nhiệm đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp xét duyệt quyết toán đối với đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp ngân sách trung ương (NSTW) tăng thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia và tổng thể NSTW vượt thu, NSTW trích một phần theo tỷ lệ của số tăng thu thưởng cho các địa phương có tăng thu.
Bổ sung mới 14 nội dung
Bên cạnh đó, có 14 nội dung bổ sung mới trong dự thảo Luật, gồm: Bổ sung 1 Điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; Thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường; Bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia NSTW (70%) và ngân sách địa phương (NSĐP) (30%);

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Bổ sung quy định phân chia giữa NSTW và NSĐP từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 2 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu NSĐP hưởng 100%); Quy định nộp NSNN đối với lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận được chia tương ứng với phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Bổ sung quy định thưởng 10% số vượt dự toán thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền; Bổ sung các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn bao gồm các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, đặt hàng, giao nhiệm vụ đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng ký trước ngày 31/12 năm thực hiện dự toán; Bổ sung quy định cho phép ứng trước dự toán về chi thường xuyên; ngân sách cấp xã được ứng trước dự toán năm sau; Bổ sung quy định dự phòng ngân sách được bố trí từ nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của cấp ngân sách;
Bổ sung quy định nguồn trả nợ gốc từ các nguồn vay để trả nợ gốc, thu NSNN bố trí trong dự toán, kết dư ngân sách, tăng thu và dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; Bổ sung quy định Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại để quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước; Bổ sung quy định trường hợp địa phương cần huy động vốn vay lớn hơn mức dư nợ vay đã được quy định để thực hiện dự án trọng điểm, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định;
Giao thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;Bổ sung quy định NSNN bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với khả năng của NSNN.
Dự thảo Luật quy định thời điểm có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026. Luật NSNN số 83/2015/QH13 và Điều 4 Luật số 56/2024/QH15 hết hiệu lực, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Bãi bỏ 5 nội dung
Dự thảo luật đề xuất bãi bỏ 5 nội dung, gồm:
Bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, về Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm;
Bỏ quy định khoản phí do cơ quan nhà nước thu nộp NSNN được khấu trừ các khoản khoán chi phí hoạt động;
Bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách;
Bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của NSTW cho NSĐP tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW;
Bỏ quy định về thẩm định của cơ quan tài chính các cấp thay bằng kiểm tra, tổng hợp quyết toán NSNN đơn vị dự toán cấp I; đồng thời quy định nội dung kiểm tra quyết toán NSNN của đơn vị dự toán cấp I.